Hải Dương: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới Quảng Ninh: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới |
Trong thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số cho nhiều lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số trong quá trình xây dựng nông thôn mới và đã đạt được những kết quả tích cực.
Một trong những minh chứng cho ích lợi chuyển đổi số mang lại trong lĩnh vực nông nghiệp là ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản. Theo đó, từ cuối năm 2019, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã xây dựng và đưa vào vận hành sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc “Nông sản Hậu Giang” nhằm giúp nông dân có điều kiện thuận lợi để ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản.
Ông Phan Văn Tùng (ấp 10, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) áp dụng mô hình trồng rau trong nhà lưới và hệ thống nước tự động đã giúp tiết kiệm nhiều chi phí sản xuất (Ảnh: QĐND) |
Với ứng dụng này, các tổ chức, cá nhân có thể tự đăng ký tài khoản, ghi chép nhật ký điện tử trong hoạt động và sản xuất; tạo mã truy xuất nguồn gốc nông sản của mình thông qua mã QR Code; đưa sản phẩm lên sàn giao dịch để quảng bá, tăng cơ hội tiếp cận các doanh nghiệp thu mua sản phẩm...
Đến nay, toàn tỉnh Hậu Giang đã có trên 2.000 tổ chức và cá nhân đăng ký tài khoản sử dụng với khoảng 320 sản phẩm nông sản tham gia trên sàn, góp phần giải quyết đầu ra nông sản của người nông dân.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cũng đã phối hợp với Viện nghiên cứu công nghệ không gian và dưới nước (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) triển khai thí điểm công nghệ Autotimelapse trong truy xuất nguồn gốc một số loại nông sản ở Hậu Giang.
Đến nay, đã thực hiện được 5 điểm trên địa bàn toàn tỉnh. Autotimelapse trong nông nghiệp là bộ giải pháp quản lý nông nghiệp thông minh, thông qua các đoạn video ngắn thể hiện tất cả giai đoạn phát triển của cây trồng và vật nuôi, không chỉ báo cáo hình ảnh quá trình nuôi trồng, mà còn hiển thị, phân tích các chỉ số tăng trưởng của cây trồng, vật nuôi, thông báo sự thay đổi của môi trường.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, định hướng thực hiện ứng dụng số hóa cho nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung xây dựng xong bản đồ số hóa cơ sở dữ liệu thông tin của ngành, áp dụng ứng dụng WebGIS xây dựng hệ thống quản lý nông nghiệp trực tuyến. Trang bị phần mềm quảng bá sản phẩm nông nghiệp Hậu Giang và các sản phẩm OCOP, xây dựng một số mô hình nông nghiệp thông minh trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi...
Bên cạnh đó, Sở cũng giới thiệu và vận động nông dân ứng dụng các mô hình chuyển đổi số nhằm cải thiện phương thức kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; phối hợp với các sở, ngành liên quan, nhất là Hội Nông dân triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số” đến toàn bộ hội viên trong tỉnh, nhằm khơi dậy tính chủ động của các thành phần tham gia sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển đổi số.
Với sự chủ động học hỏi cái mới, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ linh hoạt, phù hợp với loại hình sản xuất, nông dân Hậu Giang từng bước bắt nhịp với chuyển đổi số, liên kết chặt chẽ với kỳ vọng tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cho nông sản. Từ đó giúp địa phương đạt được các tiêu chí về nông thôn mới.
Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã làm quen kinh doanh với môi trường trên không gian mạng. Qua đây, giúp các đơn vị sớm trang bị hành trang cơ bản, tâm thế sẵn sàng bước vào môi trường kinh doanh mới, phù hợp trong bối cảnh công nghiệp 4.0 cũng như hội nhập kinh tế quốc tế.
Có thế thấy, với tiềm năng phát triển nông nghiệp, cùng với thức hiện đa dạng các giải pháp trong thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa, nông sản của các hợp tác xã nông nghiệp trên không gian mạng, trên các sàn thương mại điện tử, tỉnh Hậu Giang từng bước hình thành thói quen, hướng đi mới trong tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Đây cũng chính là quá trình để các hợp tác xã nông nghiệp ở Hậu Giang thực hiện thành công chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.