Hàng triệu thùng dầu Nga “mắc kẹt” trên biển
Cụ thể, nguyên nhân là số dầu này đến nay vẫn chưa bán được, do các lệnh trừng phạt của Mỹ và vấn đề thanh toán. Tính đến ngày 26/1, 14 tàu chở dầu Sokol đang bị kẹt quanh cảng Yosu (Hàn Quốc). Trong đó có 11 tàu Aframax (tàu dầu có kích cỡ trung bình) và 3 tàu VLCC (tàu chở dầu loại rất lớn).
Hàng triệu thùng dầu Nga “mắc kẹt” trên biển |
Được biết, 3 tàu VLCC hiện có 3,2 triệu thùng dầu, đóng vai trò là kho chứa nổi cho dầu Sokol. Các tàu này trước đó nhận dầu từ một số tàu Aframax. Việc chuyển dầu từ tàu nhỏ sang tàu to có thể giúp tiết kiệm phí vận chuyển. Theo hãng tin Reuters, số dầu Sokol đang “lênh đênh” trên biển tương đương 1,3 triệu tấn dầu. Sokol là một trong 3 loại dầu hàng đầu của Nga, bên cạnh Urals và ESPO.
“Khó khăn trong việc bán dầu Sokol là một trong những thách thức lớn nhất mà Nga phải đối mặt kể từ khi phương Tây áp lệnh trừng phạt. Đây cũng là một trong những gián đoạn nghiêm trọng nhất của dầu Nga xuất khẩu trong 2 năm qua”, giới chuyên gia nhận định.
Mỹ tạm dừng cấp phép xuất khẩu LNG
Chính phủ Mỹ mới đây thông báo sẽ tạm ngừng cấp phép cho các cơ sở xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới để đánh giá về tác động của các dự án này đối với biến đổi khí hậu, nền kinh tế và an ninh quốc gia. Tuy nhiên, quyết định trên sẽ không được áp dụng cho các trường hợp khẩn cấp về an ninh quốc gia.
Theo ông Ali Zaidi, cố vấn khí hậu quốc gia của Nhà Trắng, Bộ Năng lượng nói rằng họ sẽ tập trung vào việc hiểu rõ hơn về chi phí năng lượng cũng như tác động của việc xuất khẩu trong tương lai đối với chi phí năng lượng với người tiêu dùng và nhà sản xuất Mỹ.
Các dự án xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng sang các nước không có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ sẽ bị tạm dừng cho đến khi Bộ Năng lượng cập nhật đánh giá về tác động đối với kinh tế và môi trường của các dự án này.
Thông báo này cũng nêu rõ cơ sở cho việc đánh giá đã được xây dựng từ cách đây 5 năm và không đánh giá được đầy đủ tất cả các mặt tác động như việc tăng chi phí năng lượng đối với người tiêu dùng và nhà sản xuất, hay tác động của việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ cho biết, một trong những mục đích khác của quyết định tạm ngừng cấp phép các dự án xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng mới là để phòng ngừa rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng, nhất là các cộng đồng đang phải gánh chịu ô nhiễm từ các cơ sở xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Mỹ hiện là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu LNG, với kim ngạch dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030.