Doanh thu xuất khẩu dầu Nga giảm mạnh
“Sản lượng dầu Nga xuất khẩu mỗi ngày đạt 7,8 triệu thùng - vượt mức trước đại dịch Covid-19 và cao nhất từ tháng 3/2023”, IEA cho biết.
IEA giải thích, giá dầu giảm là lý do khiến khoản thu và lãi từ dầu của Nga chững lại. “Chiết khấu tăng trong khi giá giảm, khiến doanh thu tụt dốc nhưng vẫn ở mức chấp nhận được”, IEA cho hay.
Để đối với các lệnh trừng phạt của phương Tây về trần giá dầu Nga liên tục tăng chiết khấu cho các quốc gia mua nhiên liệu từ nước này, như Trung Quốc, Ấn Độ.
IEA dự báo doanh thu từ xuất dầu thô của Nga sẽ tăng trở lại khi giá trên thị trường đi lên, do những tác động từ bất ổn địa chính trị tại Trung Đông. Trung Quốc và Ấn Độ được dự báo tiếp tục dựa vào nguồn cung tử Nga và Iran.
Doanh thu xuất khẩu dầu Nga giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng qua. Ảnh: Ura.ru |
Trước đó, theo dữ liệu của Bộ Tài chính Nga, thuế từ dầu và khí đốt năm 2023 đã giảm 24% so với năm trước dù vẫn chiếm gần 1/3 tổng thu ngân sách năm 2023.
Số liệu của Bộ Tài chính Nga cho thấy, mức thâm hụt tài chính lên tới 3,2 nghìn tỷ rúp (36,1 tỷ USD), tương đương 1,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Con số này cao hơn 300 tỷ rúp so với mục tiêu ngân sách và ước tính cuối tháng 12 của Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov công bố. Thâm hụt tăng trong bối cảnh chi tiêu vượt dự báo 11%.
“Giá trung bình của dầu thô xuất khẩu chính Urals đã giảm hơn 17% trong năm 2023, xuống còn 62,99 USD/thùng. Mức giá này vẫn cao hơn trần 60 USD/thùng do Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và đồng minh áp đặt cuối năm 2022 nhằm hạn chế doanh thu của Nga”, Bộ Tài chính Nga thông báo.
Indonesia đặt mục tiêu năng lượng tái tạo
Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản (ESDM), ông Arifin Tasrif cho biết, đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và tài nguyên khoáng sản của Indonesia năm 2023 đã tăng 11% lên 471.000 tỷ rupiah (30,3 tỷ USD), so với mức đầu tư 27 tỷ USD của năm 2022. Trong khi, cơ cấu năng lượng tái tạo tiếp tục tăng nhưng vẫn còn cách xa mục tiêu đề ra tới năm 2025.
“Lĩnh vực dầu khí vẫn chiếm ưu thế với mức đầu tư 15,6 tỷ USD, tiếp theo là ngành khoáng sản và than đá với mức 7,46 tỷ USD. Ngoài ra, ngành điện đạt 5,8 tỷ USD, trong khi lĩnh vực năng lượng mới và tái tạo (EBT) đạt 1,5 tỷ USD”, ông Tasrif nói.
Ảnh minh họa |
Tính đến cuối năm 2023, cơ cấu năng lượng từ năng lượng mới và năng lượng tái tạo của Indonesia đạt 13,1%, tương đương 238,1 triệu thùng dầu quy đổi (MBOE). Tuy nhiên, so với mục tiêu đạt 23% vào năm 2025, Indonesia xác định cần nhiều nỗ lực hơn nữa.
Đồng thời, Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia cũng đề ra một số biện pháp để thúc đẩy cơ cấu năng lượng tái tạo, như chuyển đổi các nhà máy điện diesel sang EBT và thực hiện chương trình pin Mặt Trời trên mái nhà, phấn đấu đạt công suất 3,6 GW vào năm 2025. Indonesia đặt mục tiêu tăng công suất nhà máy điện EBT lên 13.886 MW trong năm nay.