Tuần hàng Việt Nam tại Pháp: Cơ hội mới cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường châu Âu Nhiều dư địa cho hàng nội thất Việt Nam tại thị trường Pháp |
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là cơ hội để Việt Nam nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, nhất là với các sản phẩm có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh, với những cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu lên tới 99% giữa hai bên trong vòng 7-10 năm. Ông Vũ Anh Sơn - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Pháp đã có cuộc trao đổi với Báo Công Thương về các tác động của Hiệp định EVFTA đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU cũng như thị trường Pháp.
Các sản phẩm của Việt Nam đang dần tìm được chỗ đứng và được người tiêu dùng bản địa biết đến. Ảnh Lộc Trời |
Đến nay, sau gần 3 năm thực thi, ông đánh giá ra sao về tác động của Hiệp định EVFTA đến hoạt động xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường EU nói chung và thị trường Pháp nói riêng?
Hiệp định EVFTA ký kết và thực thi đã mở đường chính ngạch cho hàng hóa Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông sản, cũng như vải thiều và gạo của Việt Nam có cơ hội tiến sâu vào thị trường châu Âu nói chung và Pháp nói riêng, thúc đẩy kết nối Việt Nam tới một thị trường rộng lớn với 68 triệu dân.
Hiện, uy tín và những điều kiện ưu đãi thuế quan từ EVFTA đang tạo ra lợi thế tốt cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU và Pháp. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Pháp đang đánh dấu những bước phát triển đầu tiên sau khi ký kết Hiệp định EVFTA. Thương mại hai chiều giữa Pháp và Việt Nam tương đổi ổn định, đặc biệt là chiều Việt Nam xuất khẩu sang Pháp, đồng thời Pháp đang là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tại Liên minh châu Âu.
Thực tế, sau hàng loạt các hoạt động quảng bá, xây dựng hình ảnh, định hướng tiêu dùng mà Thương vụ Việt Nam đã triển khai tại Pháp, các sản phẩm của Việt Nam đang dần tìm được chỗ đứng và được người tiêu dùng bản địa biết đến.
Việt Nam đã nỗ lực để có thể tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu với nhiều sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu cao như cà phê, gạo, hoa quả và từng bước, tiếp cận được với hệ thống bán lẻ ở nước ngoài thông qua các chuỗi cung ứng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, với quá trình thực thi EVFTA, Pháp, cũng như châu Âu, đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung, đầu tư sản xuất và hiện Việt Nam là một trong những điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư Pháp cũng như EU.
Hiệp định EVFTA không chỉ mang lại cơ hội mà còn có cả những thách thức. Vậy, ông có thể chỉ rõ hơn các thách thức sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường EU và Pháp?
Hiện nay, xu thế tiêu dùng đang hướng tới chuỗi cung ứng ngắn đang ngày càng phát triển, ngoài việc sẽ thúc đẩy tiêu dùng sản xuất trong nước sẽ ảnh hưởng tới hàng hóa Việt Nam nếu như chúng ta không có sự quan tâm đúng mực và định hướng sản xuất hướng tới giá trị gia tăng cao, có đặc trưng và định vị riêng của mình.
Bên cạnh đó, xu thế chống biến đổi khí hậu đang đặt ra nhiều yêu cầu mới mang tính chất kỹ thuật cho các nhà cung cấp. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải liên tục cập nhật thông tin và nhanh chóng thay đổi để có thể bắt kịp các xu thế này. Tuy nhiên, sự thay đổi có gắn kết chặt chẽ nhiều ngành nghề với nhau vì vậy việc này trở nên càng khó khăn, thách thức hơn với doanh nghiệp.
Trước thách thức, doanh nghiệp Việt Nam cần phải xây dựng được văn hóa đoàn kết, xây dựng được cộng đồng chia sẻ thông tin rộng để cùng nhau phát triển và “bọc lót” lần nhau trong những gian đoạn thiếu nguồn cung; phải có sự quan tâm đúng mực tới thị trường châu Âu do đặc thù khó và cần nhiều thời gian và nguồn lực đầu tư ban đầu.
Từ những cơ hội và thách thức đan xen, theo ông để gia tăng sự hiện diện tại thị trường Pháp cũng như EU, doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược, giải pháp xây dựng thương hiệu hàng hóa như thế nào?
EU hiện là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới trong đó Pháp là đối tác lớn thứ 4 của Việt Nam nhưng Việt Nam mới chiếm khoảng 2% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu của EU.
Ông Vũ Anh Sơn – Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Pháp |
Vì vậy, để gia tăng thị phần hàng hóa tại EU cũng như Pháp, việc xây dựng, định vị thương hiệu là hết sức quan trọng.
Theo đó, các yếu tố trong xây dựng thương hiệu đó là sản phẩm tốt, chính sách quảng bá tốt và kênh tiếp cận khách hàng thích hợp. Với doanh nghiệp, để xây dựng thương hiệu, trước hết phải có sản phẩm tốt. Sản phẩm tốt không phải là thứ doanh nghiệp có mà là thứ khách hàng cần.
Mặt khác, để có thương hiệu, cần có chiến dịch quảng bá một cách tổng thể và bao quát, bắt đầu từ chiến dịch quảng bá mặt hàng cụ thể của doanh nghiệp, chiến dịch quảng bá ngành hàng tới bạn bè quốc tế và định hướng, chiến lược tầm quốc gia. Theo đó, việc quảng bá phải có sự tham gia của tất cả các cơ quan, đơn vị liên quan.
Ngoài ra, việc đưa hàng Việt Nam tiếp cận các chuỗi phân phối nước ngoài như thị trường Pháp nói riêng và thị trường châu Âu nói chung có thể bán trực tiếp hàng hóa tại các hệ thống phân phối ở nước sở tại, cho người tiêu dùng bản địa, dưới thương hiệu Việt Nam là một phương thức hiệu quả, bền vững đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa và có tầm quan trọng đặc biệt trong công tác xây dựng Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Điểm đáng lưu ý, các chuỗi bán lẻ tại nước ngoài là những nhà cung cấp trực tiếp hàng hóa tới tay người tiêu dùng cuối cùng tại nước sở tại. Do đặc thù này, với đối tượng đích đến là khách hàng “tây”, những người bản địa, đây luôn là phân khúc thị trường khó chinh phục nhất. Tuy nhiên, nếu thành công sẽ mang tính tiên phong cao, không chỉ đối với hình ảnh hàng hóa của Việt Nam tại thị trường sở tại và quốc tế, mà còn có tác động định hướng tích cực tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, tạo tiền đề cho cho các doanh nghiệp hướng tới sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng và xây dựng kế hoạch phát triển bền vững.
Được xem là “cánh tay nối dài” đưa hàng Việt vươn xa, thời gian tới Thương vụ Việt Nam tại Pháp sẽ triển khai các hoạt động nổi bật nào để hỗ trợ doanh nghiệp tăng cơ hội tiếp cận thị trường Pháp và xây dựng được thương hiệu bền vững, cạnh tranh, thưa ông?
Pháp vốn là một thị trường lớn và tiềm năng và nhất là khi EVFTA có hiệu lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội và điều kiện để tham gia sâu vào hệ thống bán hàng và phân phối của Pháp. Vì vậy, trong giai đoạn tới, Thương vụ sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan trong nước và Pháp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận thị trường Pháp theo các hình thức khác nhau phù hợp với tiêu chí đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Pháp. Tập trung quảng bá cho hàng hóa Việt Nam thông qua các chương trình xúc tiến thương mại tại các hội chợ triển lãm và các hệ thống siêu thị của Pháp.
Ngoài ra, Thương vụ sẽ tập trung khai thác những cơ hội và tìm kiếm các đối tác tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu phát triển các mặc hàng mới có khả năng cạnh tranh cao tại thị trường Pháp. Trước mắt, tổ chức kết nối các doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh tại thị trường Pháp với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam để tìm phương hướng hợp tác kinh doanh; tận dụng các lợi thế pháp nhân của doanh nghiệp Pháp do người Việt Nam tại Pháp đang kinh doanh kết hợp với hàng hóa sản xuất trong nước phù hợp với thị hiếu và thói quen của người tiêu dùng Pháp nói riêng và của EU nói chung.
Hướng tiếp theo, Thương vụ sẽ nghiên cứu thúc đẩy sử dụng kho ngoại quan hàng hóa liên kết với các hệ thống siêu thị tại Pháp để đề xuất doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng xúc tiến thành lập/liên kết với pháp nhân tại Pháp; tận dụng mạng lưới người Việt đông đảo tại đây để hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam với đích là tiêu thụ hàng hóa trực tiếp tại siêu thị và các cửa hàng bán lẻ của Pháp. Cùng với đó, Thương vụ sẽ thông qua các diễn đàn doanh nghiệp, website, facebook cung cấp đủ thông tin để định hướng doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt hơn nữa khi tiếp cận thị trường và đối tác Pháp.
Xin cảm ơn ông!