Hải sản Na Uy nhận được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam
Lần đầu tiên Hội đồng Hải sản Na Uy tham dự hội chợ thường niên VietFood & Beverage Hà Nội 2023. Đây cũng là lần đầu tiên, 8 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hải sản của Na Uy đến tìm kiếm cơ hội giao thương hợp tác với các đối tác tiềm năng tại thị trường Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hải sản Na Uy đã hiện diện tại hội chợ nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại với Việt Nam. Ảnh: Báo Thanh niên |
Là nước xuất khẩu hải sản lớn thứ 2 thế giới, có đường bờ biển trải dài hơn 101.000km, Na Uy cung cấp 40 triệu bữa ăn hải sản hàng ngày cho 150 quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Ngành hải sản Na Uy đặt việc quản lý tài nguyên biển có trách nhiệm làm cốt lõi, chuyển từ đánh bắt không hạn chế sang các quy định nghiêm ngặt và thiết lập các tiêu chuẩn để quản lý các nguồn lợi từ biển một cách bền vững.
Thống kê từ đầu năm 2023 đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 42.242 tấn hải sản từ Na Uy, trị giá 1,6 tỷ NOK (khoảng 142 triệu USD), tương đương sự gia tăng 8% về mặt sản lượng và 23% về mặt giá trị so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng ngày càng gia tăng, song hành cùng quy mô dân số và sự gia tăng về thu nhập của người tiêu dùng Việt Nam.
Chia sẻ bên lề hội chợ thường niên VietFood & Beverage Hà Nội 2023, TS Asbjørn Warvik Rørtveit - Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Hội đồng Hải sản Na Uy cho biết, gian hàng triển lãm của Hội đồng Hải sản Na Uy mang đến cơ hội để các nhà xuất khẩu hải sản của Na Uy giới thiệu những sản phẩm đa dạng và chất lượng hàng đầu thế giới của mình. Đồng thời, các đối tác Việt Nam có cơ hội khám phá các nhà cung cấp mới và mở rộng mạng lưới kinh doanh.
Thông qua các hoạt động tương tác, gặp gỡ, giới thiệu với nhiều thông tin bổ ích, những vị khách tới tham quan gian hàng của Hội đồng có thể cập nhật các xu hướng phát triển mới nhất trong lĩnh vực hải sản, đồng thời được kết nối trực tiếp với các nhà sản xuất và xuất khẩu hải sản đến từ Na Uy.
Đây cũng là lần đầu tiên, 8 doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hải sản hàng đầu của Na Uy đến Việt Nam để tham dự trực tiếp vào các hoạt động của Hội đồng Hải sản Na Uy, thúc đẩy các cơ hội hợp tác với các đối tác tiềm năng tại thị trường Việt Nam bao gồm: Salmar, Seaborn, Leroy, Coast, Cape Fish, Hofseth, Pure Na Uy Seafood và Star Seafood.
Đại diện Hội đồng Hải sản Na Uy cũng nhìn nhận Việt Nam là thị trường hấp dẫn đối với các nhà xuất khẩu hải sản Na Uy, luôn giữ vững vị thế là nước nhập khẩu hải sản Na Uy hàng đầu tại Đông Nam Á. Trong thời gian tới, Hội đồng Hải sản Na Uy cam kết hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam để gia tăng giá trị kinh tế, đồng thời duy trì sự đảm bảo rằng hải sản Na Uy có mặt tại Việt Nam luôn có được nguồn gốc và chất lượng đẳng cấp thế giới.
Phát biểu tại sự kiện Học viện Cá Hồi do Hội đồng Hải sản Na Uy tổ chức chiều 8/11, bà Hilde Solbakken - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam cho biết, giá trị cốt lõi của ngành công nghiệp thủy hải sản Na Uy chính là phát triển có trách nhiệm và bảo vệ vòng tuần hoàn tự nhiên của mọi sinh vật trong thiên nhiên.
Việc đưa sản phẩm vào thị trường Việt Nam, ngoài cung cấp cho người tiêu dùng nguồn hải sản chất lượng cao và đáng tin cậy, mà còn giúp thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sinh thái biển, từ đó giúp đảm bảo sự bền vững của ngành công nghiệp thủy hải sản.