Hải Dương: Thu giữ gần 1.000 đôi giày giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng Hải Dương: Lần đầu tiên tổ chức Lễ hội thu hoạch hành, tỏi thị xã Kinh Môn |
Thị trường, hàng hóa của tỉnh tiếp tục được mở rộng
Xúc tiến thương mại được xác định góp phần quan trọng đối với phát triển thương mại nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu, giúp doanh nghiệp tiếp cận, làm quen với môi trường và luật pháp quốc tế. Vì thế, năm 2023, hoạt động xúc tiến thương mại được ngành Công Thương Hải Dương quan tâm, đẩy mạnh, qua đó mang lại nhiều tác động tích cực đối với sản xuất, xuất khẩu hàng hoá của địa phương.
Điểm lại chương trình xúc tiến thương mại năm 2023, Trung tâm Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương Hải Dương cho biết, một số hoạt động xúc tiến thương mại mà đơn vị triển khai mang đậm dấu ấn đó là: Đã tăng cường xây dựng, quản lý hệ thống thông tin, tuyên truyền, cơ sở dữ liệu thông qua việc thực hiện cung cấp gần 1.100 lượt tin bài về giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh cho Đài PT-TH Hải Dương, Bộ Công Thương; Phát hành 1.200 Bản tin Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại số ra hàng quý. Phối hợp với Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) xây dựng Chuyên mục và cung cấp tin bài quảng bá, giới thiệu tiềm năng kinh tế, công nghiệp và thương mại; các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Hải Dương trên Trang thông tin điện tử Kết nối doanh nghiệp Á-Âu.
Hải Dương đã quảng bá hình ảnh, thương hiệu và sản phẩm của mình ra thị trường trong nước và quốc tế. Ảnh: TP |
Bên cạnh đó, Trung tâm Xúc tiến thương mại đã tham mưu giúp Sở Công Thương Hải Dương phối hợp tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trọng điểm của tỉnh, trong đó: Tham mưu tổ chức 8 đoàn xúc tiến thương mại và đầu tư tại các nước như: Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Lào, Australia và Newzeland cho cán bộ thuộc các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp. Lãnh đạo Sở trực tiếp tham gia đoàn xúc tiến thương mại tại Anh/Pháp/Bỉ và đoàn xúc tiến thương mại tại Nhật Bản; trong đó có tổ chức Gian hàng trưng bày sản phẩm tại Diễn đàn Kinh tế Kiều bào lần thứ 2, kết nối hợp tác địa phương, doanh nghiệp Việt Nam - Kyushu “Thực chất, Hiệu quả, Bền vững” tại Fukuoka và Asaka (Nhật Bản).
Đồng thời, phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức, tham gia 11 phiên giao thương; 2 chương trình tư vấn, cung cấp thông tin với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm chế biến, công nghiệp hỗ trợ, dệt may, da giầy tại các thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nam Á, châu Phi; tổ chức, tham gia và hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh tham gia 25 hội chợ, triển lãm thương mại trong nước và quốc tế có quy mô lớn tại Việt Nam. Ngoài ra, các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm vải thiều và nông sản, hàng hóa của tỉnh cũng đã được tăng cường triển khai.
Từ chuỗi hoạt động sôi động, dày đặc trong năm 2023, ông Nguyễn Lương Ngọc – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương Hải Dương đánh giá, các chương trình xúc tiến thương mại đã góp phần vào việc ổn định thị trường; phát triển thương mại nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu, giúp doanh nghiệp tiếp cận, làm quen với môi trường và luật pháp quốc tế. Đặc biệt, các hoạt động xúc tiến thương mại đã tạo điều kiện thuận lợi, tích cực cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến tìm hiểu, hợp tác và liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh với các doanh nghiệp Hải Dương.
Việc tổ chức, tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung/cầu tại các địa phương, các vùng kinh tế trọng điểm trong nước và nước ngoài cũng đã giúp doanh nghiệp Hải Dương quảng bá hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm của mình ra thị trường trong nước, quốc tế. “Thị trường, hàng hóa của tỉnh tiếp tục được mở rộng cả trong và ngoài nước; nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như vải thiều, cà rốt đã xuất khẩu được sang các thị trường cao cấp như Mỹ, Úc, EU...”- ông Nguyễn Lương Ngọc cho hay.
Cùng với đó, việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại đã giúp doanh nghiệp trong tỉnh khi tiếp thu được những tiến bộ khoa học công nghệ mới, tiên tiến áp dụng vào sản xuất kinh doanh, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh của mình. Đáng kể, qua việc tổ chức, tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp trong tỉnh đã ký kết được trên trên 150 bản ghi nhớ và giao dịch thương mại, trong đó có nhiều bản đã chuyển thành hợp đồng thực hiện, tổng các giá trị hợp đồng ước đạt hàng chục tỷ đồng.
Tiếp tục tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Trung tâm Xúc tiến thương mại, các hoạt động xúc tiến thương mại của Hải Dương còn một số khó khăn, trong đó, nhiều hoạt động chưa phong phú; chưa mang tính định hướng dài hạn. Chưa tổ chức được nhiều sự kiện xúc tiến thương mại lớn mang tính trọng điểm của tỉnh theo nhóm từng nhóm ngành nghề riêng. Số lượng doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mai còn chưa nhiều. Việc khai thác, xử lý và cung cấp thông tin thị trường cụ thể phục vụ trực tiếp các hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu còn hạn chế.
Nêu nguyên nhân, báo cáo của Trung tâm Xúc tiến thương mại Hải Dương chỉ rõ là do nguồn kinh phí hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi tham gia vào chương trình xúc tiến thương mại còn hạn chế so với nhu cầu thực tế; chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển xúc tiến thương mại; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại còn phụ thuộc vào chính sách và cơ chế của Nhà nước. Mặt khác, doanh nghiệp ở Hải Dương chủ yếu là nhỏ và vừa, nguồn lực còn hạn chế, trình độ quản lý và năng lực sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; chưa có nhiều sản phẩm mới chất lượng cao. Sức cạnh tranh của sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP còn yếu.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng, nhận diện phát triển thương hiệu của sản phẩm, gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn nhiều bất cập; chưa có nhiều sản phẩm được gắn tem quốc tế. Doanh nghiệp chưa quan tâm, chú trọng đến việc cập nhật, bổ sung, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ và các thông tin về thị trường, về cơ chế, chính sách mới của nhà nước...
Từ những thuận lợi và khó khăn đan xen, năm 2024, theo định hướng phát triển thị trường và ngành hàng, Hải Dương sẽ tập trung trung khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường lớn như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN... Tăng cường khai thác các thị trường còn tiềm năng như Hoa Kỳ, Nga, Đông Âu, Bắc Âu, Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh,... Đặc biệt tận dụng các cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Đồng thời, địa phương này sẽ tăng cường liên kết, hợp tác và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại tại các khu vực, vùng kinh tế trọng điểm như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, khu vực Tây Nam bộ (Cần Thơ, Vĩnh Long, Bình Dương), khu vực miền Trung - Tây nguyên (Đà Nẵng, Lâm Đồng, Quảng Trị); các tỉnh Tây Bắc và có biên giới với Trung Quốc (Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Điện Biên).
Đặc biệt, Hải Dương sẽ đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của tỉnh, như: Dệt may, da giày, điện tử, các sản phẩm công nghiệp, xây dựng, chế tạo, gốm sứ, đồ gỗ, thêu ren. Chú trọng xúc tiến các sản phẩm nông nghiệp chế biến sâu, có lợi thế xuất khẩu; các mặt hàng nông sản, thực phẩm đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, các hoạt động phát triển thương hiệu. Xây dựng kênh phân phối trong nước ổn định cho các loại nông sản có tính thời vụ; các sản phẩm nông nghiệp an toàn, có chất lượng, các sản phẩm OCOP như: Vải thiều, cà rốt, hành, tỏi, nhãn, cây rau, củ, quả các loại; thịt lợn, gà, cá...
Để thực hiện các định hướng phát triển thị trường, theo đó kế hoạch, Trung tâm Xúc tiến thương mại cho biết, Hải Dương sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa tại Lễ hội mùa Xuân - Côn Sơn 2024; xây dựng chuyên mục quảng bá, giới thiệu tiềm năng kinh tế, công nghiệp và thương mại; các chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư của tỉnh Hải Dương trên Trang thông tin điện tử Kết nối doanh nghiệp Á-Âu (AsemconnectVietnam.gov.vn); tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều Thanh Hà và các hoạt động kết nối tiêu thụ, xuất khẩu liên quan đến vải thiều và nông sản.
Cùng với đó, Trung tâm Xúc tiến thương mại sẽ tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa giữa Hệ thống Thương vụ Việt Nam, các doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài với các doanh nghiệp của Hải Dương. Tổ chức sự kiện “Không gian trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt”; lồng ghép với phát động hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng năm 2024” và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Hải Dương; Phối hợp tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa tiêu biểu của tỉnh tại Lễ hội mà Xuân và Lễ hội mà Thu - Côn Sơn, Kiếp Bạc năm 2024.
Ngoài ra, Hải Dương sẽ tổ chức gian hàng tham gia một số hội chợ quốc tế thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2024 tại các vùng kinh tế trọng điểm, như: Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam EXPO 2024 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam 2024 tại Cần Thơ; Hội chợ Hành lang kinh tế Đông - Tây 2024 tại Đà Nẵng; Hội chợ quốc tế Trung - Việt tại Hà Khẩu, Vân Nam (Trung Quốc)i; Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2024 tại Hà Nội; Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tham dự các sự kiện, hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu tại các địa phương trong cả nước; tham mưu tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, đầu tư tại Australia; Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước khác theo chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh và Bộ Công Thương...