Tỉnh Hà Tĩnh: Lan toả hơn nữa thương hiệu bưởi Phúc Trạch Hà Tĩnh quyết liệt chung tay gỡ “thẻ vàng” thủy sản |
Thống kê từ Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, tính đến hết ngày 30/11/2022, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 92.958 người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng 2.352 người so với năm 2021, đạt 94,9% kế hoạch giao; 53.688 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 11.113 người so với năm 2021, đạt 96,4% kế hoạch; 1.166.920 người tham gia bảo hiểm y tế, tăng 32.329 người so với năm 2021, đạt 99,6% kế hoạch.
Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội là 21,6%, cao hơn 0,6% so với chỉ tiêu được giao; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 92% dân số, đạt chỉ tiêu được giao. Số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đạt 85% kế hoạch...
Ngành bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh đang "nước rút" về đích năm 2022 |
Tại cuộc họp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, ngày 15/12, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hà Tĩnh cho biết, dự kiến, hầu hết các chỉ tiêu sẽ đạt kế hoạch, riêng chỉ tiêu bảo hiểm xã hội bắt buộc gặp khó khăn, nên khả năng chỉ hoàn thành 95% kế hoạch... Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn mặc dù liên tục đăng thông báo tuyển dụng lao động, nhưng không thu hút được lao động.
Ngoài ra, công tác rà soát lao động qua dữ liệu thuế đã được tỉnh thực hiên nghiêm túc, nhưng số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chỉ chiếm 5,5% so với số lao động kê khai quyết toán thuế. Hiện nay, Hà Tĩnh có hơn 500 đơn vị không còn hoạt động (phá sản, giải thể…) đang nợ gần 30 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội.
Theo Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hà Tỉnh, thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, trong năm 2022, toàn tỉnh có 1.652.146 lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng 226.729 lượt so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong tỉnh vượt dự toán Thủ tướng Chính phủ giao khoảng 18%.
Dù còn nhiều khó khăn, song ngành bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh đang quyết tâm đẩy mạnh các hoạt động "nước rút" để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Theo đó, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hà Tĩnh cho hay, cơ quan này sẽ tiếp tục bám sát chương trình, kế hoạch của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động theo từng nhóm nhỏ, trực tiếp tại các hộ gia đình, cụm dân cư, có sự phối hợp giữa viên chức ngành bảo hiểm xã hội, nhân viên thu và cán bộ tổ thôn xóm.
Cùng với đó, sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền huyện, xã; tổ chức dịch vụ thu, nhân viên đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia tái tục bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế đúng hạn trong tháng 12/2022 và vận động người dân tham gia mới. Phối hợp nhà trường hoàn thành bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên đợt 2 năm học 2022-2023 trong tháng 12/2022 để thẻ bảo hiểm y tế có giá trị kịp thời từ ngày 01/01/2023.
Riêng kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao, ngành bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh đã tăng cường công tác giám định bảo hiểm y tế, nhất là kiểm soát chặt chẽ thủ tục và quản lý tốt bệnh nhân điều trị nội trú; kiểm soát các hành vi tăng cường thu dung người có thẻ bảo hiểm y tế đến khám chữa bệnh, các hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo, miễn phí trên địa bàn để ngăn chặn tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế...
Đồng thời, toàn ngành sẽ tập trung quyết liệt công tác đôn đốc thu hồi nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để hoàn thành chỉ tiêu công tác thu và giảm nợ; tiếp tục thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, kiên quyết xử lý các đơn vị có hành vi gian lận, trốn đóng, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội để đảm bảo tính nghiêm minh trong thực hiện pháp luật bảo hiểm xã hội.
Trước các nhiệm vụ đề ra trong việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động, người tham gia chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam - ông Nguyễn Đức Hòa đề nghị Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục rà soát dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp trên nguyên tắc thu đúng, thu đủ theo quy định của pháp luật; đồng thời cần phân loại từng nhóm đối tượng cụ thể để tuyên truyền, vận động, nhất là nhóm bảo hiểm y tế học sinh sinh viên.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Đức Hòa, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hà Tĩnh cần tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành đột xuất; phối hợp với các sở, ban ngành liên quan tiến hành kiểm tra, thanh tra liên ngành đối với những đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Đối với công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, cần quyết liệt hơn, cách giải quyết và xử lý phải rõ ràng theo đúng quy định pháp luật; đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm những tồn tại trong thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh, đẩy mạnh kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh có cảnh báo từ Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế để kịp thời phát hiện những vấn đề bất thường về chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Chú trọng ngăn ngừa, phát hiện tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế; cũng như các trường hợp thu dung người có thẻ bảo hiểm y tế đến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không đúng quy định, chỉ định điều trị nội trú khi chưa cần thiết.
Lãnh đạo Bảo hiểm Xội Việt Nam cũng đề nghị ngành bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh cần phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh thống nhất dự kiến kinh phí để thực hiện đúng dự toán Chính phủ giao. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản về phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực, trách nhiệm trong kiểm soát công tác giám định bảo hiểm y tế.