Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung: Liên kết bền vững - phát huy thế mạnh Hà Nội: Đẩy mạnh liên kết bền vững |
Thay đổi tư duy
Đến mua sắm tại AEON Long Biên, không khỏi bất ngờ khi thấy nhiều người tiêu dùng lựa chọn dịch vụ thuê túi đựng hàng thay vì dùng túi ni-lông do siêu thị cung cấp. Chỉ 5.000 đồng khách hàng sẽ nhận được một túi thân thiện môi trường được thiết kế dày dặn và đẹp mắt, chắc chắn, có thể đựng được lượng hàng hóa tương đương trọng lượng 10kg. Khách hàng có thể mang túi đến để sử dụng tiếp hoặc trả tại quầy thu ngân và nhận lại tiền thuê túi. Đặc biệt, AEON Việt Nam sẽ tặng cho các giao dịch từ chối dùng túi ni-lông 1.000 đồng, được trừ trực tiếp vào hóa đơn mua hàng.
Dịch vụ cho thuê túi của AEON giúp giảm thiểu túi nilon trong tiêu dùng |
Còn tại hệ thống M2, tất cả các cửa hàng đều thay đổi các mẫu mã, thiết kế lại túi đựng hàng bắt mắt, thời trang để khách hàng có thể tái sử dụng nhiều lần.
Trong lĩnh vực thực phẩm, tại Công ty TNHH Thực phẩm Cao cấp (High food) - 55B Hàng Bài, Hà Nội, khách hàng đều tự mang túi đi hoặc nếu dùng túi do cửa hàng cung cấp thì sẽ phải trả tối thiểu 6.000 đồng/túi. Đây là sản phẩm túi dệt, bền, đẹp và sử dụng được nhiều lần. Mặc dù tính tiền túi đựng hàng nhưng khách đến mua hàng tại các cửa hàng của công ty vẫn rất đông. Nhiều khách hàng đã ý thức mang túi đến mua hàng cho lần sau thay vì trả thêm tiền để mua túi đựng hàng.
Hình thành nhiều chuỗi liên kết
Nhiều năm qua Hà Nội đã tổ chức xây dựng và kết nối nhiều chuỗi liên kết, cung ứng trong sản xuất và tiêu dùng. Các chuỗi liên kết, cung ứng này được phân chia thành các lĩnh vực sản xuất, thương mại, qua đó đã từng bước nâng cao nhận thức cho các đơn vị sản xuất và phân phối.
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, Hà Nội đã tập trung đối tượng là các cơ sở, doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ để hình thành chuỗi sản xuất sạch theo từng lĩnh vực: Mây tre đan, dệt may, sơn mài, xây dựng, hàng tiêu dùng… với hệ thống các siêu thị, trung tâm phân phối bán lẻ. Từ đó hình thành mối liên kết chặt chẽ là sản xuất xanh - phân phối xanh - tiêu dùng xanh.
Công ty Hoàng Quỳnh tham gia mạng lưới phân phối tiêu dùng bền vững của Hà Nội đối với sản phẩm may mặc |
Nhằm giảm ô nhiễm môi trường, xây dựng chuỗi giá trị xanh trong quy trình sản xuất từ khâu nguyên liệu đầu vào đến các dịch vụ bán hàng, góp phần tăng hiệu quả của nền kinh tế một cách bền vững, TP. Hà Nội đã triển khai Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Theo đánh giá sơ bộ, việc triển khai Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua đã giúp khoảng 50% DN trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị; 70% các DN trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; 80% DN tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin đến người tiêu dùng.
Tuy nhiên, việc triển khai kế hoạch này trên địa bàn Hà Nội cũng gặp nhiều hạn chế. Trong đó, hạn chế lớn nhất của DN hiện nay chính là vấn đề vốn và công nghệ. Trong khi đó, để phát triển bền vững, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, DN thường phải đầu tư lớn. Thực tế cho thấy, nhiều DN vẫn còn sử dụng máy móc, dây chuyền sản xuất với công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng. Ngoài ra, thói quen sử dụng, tiêu dùng của mỗi người dân cũng chưa hướng đến một nền sản xuất, tiêu dùng bền vững.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan - cho biết, thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, Sở sẽ hỗ trợ DN nâng cao năng lực quản lý, khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên vật liệu trong sản xuất và tiêu dùng, khuyến khích phát triển và sử dụng các nguồn tài nguyên, nhiên vật liệu có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế. Ðồng thời, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, phát triển và phổ biến các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030.