Nhằm thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2019-2030, theo đó, hàng năm UBND thành phố Hà Nội sẽ ban hành Kế hoạch hành động cụ thể để bám sát các mục tiêu mà chương trình đề ra.
Các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ ở Thường Tín cam kết tham gia mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2021 |
Theo ông Nguyễn Thanh Hải - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, năm 2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 9/3/2021 về việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Căn cứ vào Kế hoạch trên, chúng tôi đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động như: Thúc đẩy sản xuất sạch hơn trong hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khuyến khích và hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất nhằm cung cấp cho thị trường những sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm.
Theo đó, Sở Công Thương đã triển khai đánh giá hiện trạng áp dụng sản xuất sạch hơn, nghiên cứu xây dựng các giải pháp áp dụng sản xuất sạch hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng cho các doanh nghiệp thuộc ngành, hoàn tất sản phẩm kim loại và ngành sản xuất thực phẩm trên địa bàn thành phố. Hỗ trợ kỹ thuật đánh giá sản xuất sạch hơn cho 30 cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại, dịch vụ. Đồng thời, Sở cũng đã đề xuất 185 giải pháp áp dụng sản xuất sạch hơn, giảm trung bình 2,52% định mức nguyên vật liệu, 6,5% tổng định mức năng lượng quy đổi, 12,5% bụi công nghiệp, 9,1% nước thải sinh hoạt...
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hải, các giải pháp về sản xuất sạch hơn được tư vấn, đề xuất chủ yếu đi sâu vào các giải pháp có thể tổ chức triển khai thực hiện ngay như: Giải pháp về quản lý nội vi, kiểm soát tốt quá trình sản xuất, thiết bị. Các cải tiến trong quản lý nội vi được đề xuất bao gồm bảo dưỡng phòng ngừa, kiểm kê quản lý kho, chống lãng phí, phân loại chất thải và đào tạo công nhân kỹ năng và yêu cầu thực hiện trong các công đoạn sản xuất, đảm bảo chất lượng, năng suất sản xuất.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng đã đánh giá hiện trạng sử dụng nguyên nhiên liệu, nguyên vật liệu, năng lượng và tổ chức tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp cho ngành gốm sứ trên địa bàn thành phố. Khảo sát và đánh giá hiện trạng đối với 30 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành: Dệt may thời trang; thủ công mỹ nghệ (xương sừng, mộc, thêu); thiết bị gia dụng. Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng mạng lưới liên kết giữa nhà cung cấp nguyên nhiên liệu, nhà sản xuất, phân phối, người tiêu dùng đối với các nhóm ngành trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đặc biệt, Hà Nội đã tổ chức thành công phổ biến 3 chuỗi kết nối “Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững” cho các nhóm ngành, lĩnh vực: Sản xuất, phân phối thiết bị gia dụng, ngành dệt may - thời trang và Làng nghề truyền thống thành phố Hà Nội. Các sự kiện đã thu hút 180 gian hàng trưng bày, giới thiệu, phổ biến các sản phẩm, công nghệ, mô hình, dịch vụ, các kênh phân phối, mạng lưới mua hàng xanh, các chuỗi cung ứng bền vững đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu quốc tế thực hiện tốt kết nối chuỗi giá trị trong sản xuất, thương mại, tiêu dùng.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đã xây dựng, duy trì và phát triển các chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm, an toàn, ứng dụng phần mềm sử dụng mã QR Code để truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin đến người tiêu dùng.