Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Chủ tịch Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung (nhiệm kỳ 2017 – 2018) phát biểu khai mạc Hội nghị |
Tại hội nghị do Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung tổ chức sáng ngày 05/5/2018 (tại TP. Huế - Thừa Thiên Huế) với chủ đề “Liên kết phát triển các khu kinh tế và khu công nghiệp tại Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung” do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Chủ tịch Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung (nhiệm kỳ 2017 – 2018) cho biết, nhằm khai thác các lợi thế riêng của từng địa phương, tạo môi trường đầu tư bình đẳng trong Vùng, đồng thời tránh chồng chéo trong thu hút đầu tư giữa các ngành, lĩnh vực gây “ảo giác” về sự phát triển KCN mà thực chất là sự di chuyển nguồn lực từ KCN của địa phương này sang KCN của địa phương khác. Hội nghị lần này đề ra những định hướng và giải pháp chủ yếu liên quan đến việc rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế Vùng trên cơ sở lợi thế so sánh của từng địa phương, từ đó đề xuất các thể chể chính sách kinh tế ưu đãi khác biệt cho Vùng KTTĐ miền Trung thực sự trở thành động lực lan tỏa vùng ngoại vi và cả nước.
Cảng Chân Mây thuộc KKT Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) |
Theo Hội đồng Vùng KTTĐ miền Trung, tính đến cuối năm 2016 các KKT, KCN trong Vùng đã thu hút được hơn 1.280 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 500 ngàn tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện hơn 210 ngàn tỷ đồng (chiếm 42% tổng vốn đầu tư đăng ký), thu ngân sách khoảng 36-40 ngàn tỷ đồng. Qua đó, vùng KTTĐ miền Trung đã phần nào trở thành một trong nhưng trọng điểm thu hút dự án đầu tư trong và ngoài nước, góp phần quan trọng vào việc nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại quốc tế, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương thuộc Vùng và cả nước.
Ông Ngô Đông Hải, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội nghị |
Cũng tại Hội nghị, ông Ngô Đông Hải, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định, đã tròn 10 năm thành lập Vùng KTTĐ miền Trung, các địa phương trong Vùng cần cùng nhau nhìn lại mô hình liên kết phát triển Vùng. Đặc biệt, trong lĩnh vực phát triển các KKT, KCN để xem xét, đề xuất một mô hình liên kết có tính tiên tiến, sáng tạo và liên kết bền vững, khắc phục tình trạng không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính, làm cho vùng KTTĐ miền Trung thực sự phát huy được thế mạnh, tiềm năng của mình.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, hiến kế để liên kết phát triển các KKT và KCN tại Vùng KTTĐ miền Trung như: Nhận diện lợi thế chung của Vùng cũng như lợi thế riêng của từng địa phương trong Vùng; xem xét thế mạnh từng KKT, KCN; xu hướng phân công phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp chủ chốt; khả năng kết nối hình thành các chuỗi sản phẩm và hỗ trợ dịch vụ giữa các KKT, KCN trong Vùng; cơ chế điều phối và huy động nguồn lực phát triển và những vấn đề cần kiến nghị Trung ương để tạo đột phá trong phát triển Vùng KTTĐ miền Trung.
Tiến sĩ Dương Đình Giám, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường liên kết phát triển các KKT và KCN tại Vùng KTTĐ miền Trung như: Tăng cường liên kết, nâng cao hiệu quả của hệ thống các KKT, KCN trong vùng (thông qua điều chỉnh mục tiêu, quy mô của các KKT, lựa chọn để tập trung đầu tư cho các KKT trọng điểm của Vùng, rà soát quy hoạch phát triển các KCN dựa trên hợp tác và liên kết, liên kết phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn); thúc đẩy, nâng cao khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư của các KKT, KCN (bằng việc lựa chọn phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp cụ thể để tránh trùng lặp, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội tại các khu vực có xây dựng KKT và các KCN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với nhu cầu phát triển của các KKT, KCN của Vùng, nâng cao chất lượng công tác thu hút và xúc tiến đầu tư vào KKT, KCN); tổ chức, quản lý và thực thi các chính sách hỗ trợ cho các KKT, KCN (như hoàn thiện các quy định về quản lý, xây dựng bộ máy quản lý năng động và hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ vấn đề môi trường)…
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đưa ra ý kiến xây dựng, giải pháp... nhằm "Liên kết phát triển các KKT và KCN tại Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung" |
Quá trình thảo luận và lắng nghe những ý kiến đề xuất của chuyên gia kinh tế và các Đoàn tham dự. Hội nghị chỉ ra, hiện nay các KKT, KCN vùng KTTĐ miền Trung đã tạo thêm năng lực sản xuất mới nhưng vẫn chưa tạo ra bước đột phá trong phát triển công nghiệp, nguồn thu ngân sách góp vào tăng trưởng kinh tế cho các địa phương còn thấp, sự phối kết hợp trong liên kết giữa các địa phương của Vùng chưa cao, còn có sự chênh lệch về số dự án, vốn đầu tư, thu hút lao động giữa các địa phương, các hoạt động hợp tác vẫn còn mang tính hình thức, nhiều ý tưởng liên kết vẫn chưa được triển khai thành công trên thực tế.
Những nguyên nhân hạn chế trên là do tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, thành phố trong vùng tương đối tương đồng như biển, cảng biển, sân bay, khu kinh tế, khu công nghiệp… Hầu hết các địa phương đều có xu hướng phát triển dựa trên tiềm năng, thế mạnh hiện có của mình. Phần lớn thu hút vào các KCN trong Vùng là các ngành thâm dụng lao động, sử dụng nhiều nhiên liệu, năng lượng, ít công nghệ cao, như: dệt may, da giày, sản xuất sản phẩm nhựa, vật liệu nung, chế biến nông - lâm - thủy sản... Vì vậy, cơ cấu ngành, sản phẩm của các địa phương trong vùng khá trùng lắp, ảnh hưởng kìm hãm đến việc phát triển chất lượng KCN cũng như tác động lan tỏa đến sự chuyển dịch cơ cấu của Vùng KTTĐ miền Trung.
Để phát triển Vùng KTTĐ miền Trung (thông qua Liên kết phát triển các KKT và KCN tại Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung) đòi hỏi cần phải có sự chung tay góp sức của các Bộ, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.... Qua đó tạo ra một sự bứt phá mới cho Vùng KTTĐ miền Trung, thật sự liên kết cùng mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng và an sinh xã hội, đưa nơi đây cất cánh cùng cả nước.
Vùng KTTĐ miền Trung gồm 5 địa phương: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Với lợi thế lớn về kết cấu hạ tầng giao thông - là cửa ngõ ra biển của tuyến hành lang Đông – Tây nối với đường hàng hải quốc tế qua biển Đông và Thái Bình Dương, có 4 khu kinh tế ven biển, gồm Chân Mây – Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất và Nhơn Hội và 19 KCN được Thủ tướng cho phép thành lập, chiếm 5,8% số KCN được cấp phép của cả nước và khoảng 45,2% số KCN của 14 tỉnh miền Trung. Đây là những điều kiện thuận lợi để Vùng KTTĐ miền Trung phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Ngày 24/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 2059/QĐ-TTG về thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn 2015-2020. Theo đó, thành viên Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm Chủ tịch UBND: thành phố Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Theo quy chế hoạt động thì Chủ tịch Hội đồng vùng được luân chuyển nhiệm kỳ 02 năm. |
TIN LIÊN QUAN | |
"Gặp gỡ Hoa Kỳ"- Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung |