Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về sản phẩm OCOP
Hội nghị Công bố Quyết định và trao bằng công nhận danh hiệu làng nghề, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP là sự kiện quan trọng nhằm tôn vinh các làng nghề truyền thống, các sản phẩm mang tính đặc trưng của thành phố Hà Nội theo Chương trình OCOP (One Commune One Product). Đây là một hoạt động quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, cũng như nâng cao giá trị, chất lượng của các sản phẩm địa phương.
UBND thành phố Hà Nội trao bằng công nhận danh hiệu 15 làng nghề |
Phát biểu tóm tắt kết quả tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội cho biết, năm 2023 là năm đầu tiên triển khai theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền từ thành phố đến cơ sở, Hà Nội tiếp tục là địa phương đi đầu cả nước về triển khai Chương trình OCOP. Hiện tại, thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận huyện, thị xã (gồm 268 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề, 59 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống).
Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội phát biểu |
Riêng năm 2023, thành phố Hà Nội đã công nhận 15 làng nghề, có 6 làng nghề được công nhận mới, 9 làng nghề thuộc huyện Phú Xuyên được công nhận từ “Làng nghề” lên “Làng nghề truyền thống”.
Đồng thời, thành phố đã đánh giá, phân hạng được 544 sản phẩm OCOP, vượt 136% kế hoạch thành phố giao (400 sản phẩm). Trong đó, có 440 sản phẩm 3 sao, 104 sản phẩm tiềm năng 4 sao của 200 chủ thể (50 doanh nghiệp, 36 hợp tác xã, 114 hộ kinh doanh). Sản phẩm được đánh giá về chủng loại gồm 280 sản phẩm, bao gồm thực phẩm chế biến chiếm 51,5%, 16 sản phẩm thực phẩm thô, sơ chế chiếm 2,9%; 61 sản phẩm thực phẩm tươi sống, chiếm 0,2%; 142 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, vải may mặc chiếm 26,1%; 28 sản phẩm sinh vật cảnh, chiếm 5,1%. Tổng số sản phẩm từ làng nghề tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 là 141/544, chiếm 25,9%.
Huyện Phú Xuyên là đơn vị có nhiều làng nghề được công nhận trong năm 2023 |
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Mai - đại diện Công ty cổ phần Công nghệ cao Thăng Long - đơn vị có nhiều sản phẩm OCOP 4 sao cho biết: “Thời gian qua, công ty đã tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm hướng đến nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, chú trọng xây dựng nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm, in tem OCOP; ưu tiên lựa chọn, sử dụng các nguyên liệu, sản phẩm tái chế thân thiện với môi trường.”
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh về hạn chế trong năm 2023. Thứ nhất, việc xét công nhận làng nghề tại một số địa phương chưa thực sự được quan tâm, chú trọng. Đặc biệt, việc tạo điều kiện cân đối nguồn kinh phí để xây dựng phương án bảo vệ môi trường cho làng nghề đảm bảo hồ sơ, tiêu chí xét công nhận theo quy định, dẫn đến nhiều làng nghề đáp ứng các tiêu chí về số hộ, hoạt động sản xuất, kinh doanh,... nhưng không đáp ứng tiêu chí về môi trường.
Thứ hai, một số sản phẩm tham gia dự thi có chất lượng tốt nhưng hồ sơ minh chứng cho sản phẩm còn chưa đầy đủ; bao bì vẫn còn đơn giản, chưa bắt mắt khách hàng tiềm năng. Đặc biệt, câu chuyện sản phẩm còn sơ sài chưa gắn kết được lịch sử, văn hóa của địa phương với công nghệ sản xuất và mong mỏi của công chúng tiêu dùng với sản phẩm đem lại cho họ. Chính vì vậy, giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao so với kỳ vọng.
Đẩy mạnh xây dựng chiến lược quảng bá sản phẩm OCOP
Để khắc phục hạn chế và thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP 2024, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp nhấn mạnh: “Các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội cần xác định sản phẩm tiềm năng và có lợi thế cạnh tranh, có thể bao gồm: Nông sản, thực phẩm chế biến, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm du lịch, và các sản phẩm và dịch vụ khác có đặc điểm địa phương và sức hút đối với người tiêu dùng”.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp |
Bên cạnh đó, các chủ thể OCOP cần chú trọng tạo dựng hình ảnh thương hiệu tích cực và giá trị cho các sản phẩm OCOP qua việc tôn vinh giá trị lịch sử và văn hóa địa phương, đảm bảo chất lượng an toàn sản phẩm, cũng như tạo ra câu chuyện thú vị về quá trình sản xuất.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp định hướng: “Các đơn vị, doanh nghiệp và chủ thể OCOP cần xây dựng một chiến lược tiếp thị toàn diện để quảng bá sản phẩm OCOP đến đối tượng khách hàng. Bên cạnh việc giới thiệu, phát triển sản phẩm truyền thống qua các sự kiện quảng cáo, triển lãm, hợp tác với các đối tác phân phối và bán lẻ... cần quảng bá sản phẩm trên các kênh truyền thông, nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử như: Tiktok, Shopee, Lazada,...”
Các sản phẩm OCOP được chú trọng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã |
Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh các đơn vị cần chú trọng bao bì, nguồn gốc sản phẩm và sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần định hướng xuất khẩu các sản phẩm OCOP trên cơ sở tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; sản phẩm OCOP cần được chuẩn hóa quy trình, đảm bảo tính ổn định; tránh tình trạng khi đem dự thi thì đạt chất lượng tốt nhưng khi nhân rộng sản xuất thì chất lượng lại không được ổn định.
Để thực hiện hiệu quả kế hoạch và phát triển sản phẩm trong thời gian tới, đại diện một số doanh nghiệp kỳ vọng thành phố sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP,... Từ đó, đưa các sản phẩm này trở thành thương hiệu mạnh, được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ.
Dự báo kết quả đạt được trong năm 2024, ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội cho biết: “Năm 2024, dự kiến sẽ có sự tăng trưởng đáng kể về số lượng và đa dạng các sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội. Việc này có thể đạt được thông qua các chính sách hỗ trợ, chương trình đào tạo và tư vấn làng nghề, doanh nghiệp, cũng như sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và địa phương trong phát triển sản xuất, tiếp cận thị trường”.
Các gian hàng trưng bày thu hút đông đảo người dân và các đại biểu ghé thăm quan, mua sắm. |
Trong khuôn khổ Hội nghị, Ban tổ chức đã khai mạc gian trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp để giới thiệu nhiều sản phẩm OCOP từ 3 sao, thu hút đông đảo người dân và các đại biểu ghé thăm quan, mua sắm...
Sự kiện này không chỉ là dịp để tôn vinh và khích lệ các làng nghề và doanh nghiệp sản xuất, mà còn là cơ hội để quảng bá và tiếp thị các sản phẩm địa phương ra thị trường nội địa và quốc tế.