Đầu tháng 3 vừa qua, UBND Thành phố Hà Nội đã ký ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao cấp Thành phố Hà Nội năm 2023. Cụ thể, có 544 sản phẩm từ 26 quận, huyện, thị xã được đánh giá, trong đó có 20 quận, huyện với 104 sản phẩm tiềm năng OCOP 4 sao; 50 sản phẩm tham gia đánh giá lại và 54 sản phẩm được đưa ra đánh giá lần đầu.
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, tính đến nay, toàn thành phố đã công nhận được 2.167 sản phẩm OCOP, chiếm 22% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước. Trong đó, 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao.
Trong số các huyện có sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đợt này, 3 huyện: Thanh Trì, Chương Mỹ và Phú Xuyên có nhiều sản phẩm OCOP đạt 4 sao nhất, mỗi địa phương có 12 sản phẩm được chứng nhận.
Không chỉ dẫn đầu về số lượng sản phẩm OCOP, Hà Nội còn quan tâm hỗ trợ các chủ thể trên khắp cả nước giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản an toàn.
Hiện tại, Hà Nội có tới 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. 321 làng nghề truyền thống đã được công nhận. Bên cạnh các làng nghề, Hà Nội còn có 1.136 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, 1.695 trang trại, 149 chuỗi liên kết được duy trì và phát triển, hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao. Đây chính là tiềm năng thúc đẩy du lịch nông thôn cũng như xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố.
Nhằm phát triển các sản phẩm OCOP gắn với làng nghề truyền thống, trong năm 2023, Hà Nội đã xây dựng các mô hình trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Trong đó, tiêu biểu là các làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Duyên Thái (huyện Thường Tín), Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), Duyên Hà (huyện Thanh Trì), Di Trạch (huyện Hoài Đức), Vạn Phúc (quận Hà Đông),...
Theo Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) năm 2024, Hà Nội phấn đấu có khoảng 400 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên và 5 sản phẩm tiềm năng 5 sao tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia.
Đồng thời, thành phố sẽ phát triển thêm từ 10-20 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn; triển khai tối thiểu 01 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch.
Đến năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 3% sản phẩm tiềm năng 5 sao; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có sản phẩm OCOP; 100% các trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.