Festival Bảo tồn và phát triển Làng nghề Việt Nam 2023 sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 12/11/2023
Sáng 1/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức họp báo về Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 và Hội chợ làng nghề Việt Nam lần thứ 19 năm 2023.
Toàn cảnh Họp báo |
Được diễn ra từ ngày 9/11 đến 12/11/2023, Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 sẽ có 3 sự kiện chính: Lễ vinh danh các nghệ nhân, thợ giỏi dự kiến tổ chức vào sáng ngày 9/11/2023 với khoảng 100 đại biểu nghệ nhân, thợ giỏi của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Lễ khai mạc Festival dự kiến tổ chức vào tối ngày 9/11/2023 tại Hoàng thành Thăng Long. Hội chợ quốc tế giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP với quy mô 300 gian hàng trưng bày được thiết kế đặc biệt.
Để thuận tiện cho khách tham quan giao dịch, gian hàng Hội chợ được phân chia thành các không gian trưng bày riêng biệt. Cụ thể, không gian sáng tạo làng nghề Hà Nội; Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Quốc tế; Không gian trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ; Không gian làng nghề di sản; Không gian trải nghiệm văn hóa ẩm thực OCOP vùng miền; Gian hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề của các địa phương trên cả nước; Triển lãm sản phẩm OCOP tại Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam...
Từ ngày 9/11/2023 đến 12/11/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì và phối hợp với các đơn vị tổ chức các sự kiện hưởng ứng Festival gồm: Đêm biểu diễn Chương trình nghệ thuật của các làng nghề văn hóa truyền thống; Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát triển làng nghề”; Hội thảo xây dựng vùng nguyên liệu dâu tằm tơ; Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023.
Về phía đơn vị đồng tổ chức, UBND thành phố Hà Nội cũng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Festival gồm: Lễ rước Tổ nghề và Tuần Văn hóa du lịch thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2023, chủ đề “Vạn Phúc - Sắc màu Hội nhập”; Lễ trao giải các sản phẩm Làng nghề Hà Nội đạt giải năm 2023; Giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hoá các tỉnh Nam Bộ; Lễ hội và trưng bày sản phẩm làng nghề huyện Phú Xuyên; Lễ hội mùa thu Hà Nội; Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2023; Tổ chức các hoạt động thăm quan, trải nghiệm tại các làng nghề ở Hà Nội: Bát Tràng, Vạn Phúc, Đường Lâm.
Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tiếp nối thành công của Hội chợ Làng nghề Việt Nam những năm trước, năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Festival Bảo tồn và phát triển Làng nghề Việt Nam 2023 với quy mô quốc tế.
Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo tồn, giữ gìn, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, hình thành các nét văn hóa đương đại của làng nghề Việt Nam, trong đó lấy các làng nghềcủa thành phố Hà Nội làm trung tâm để lan tỏa sang các địa phương khác.
Thông qua đó tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức sản xuất kinh doanh sản phẩm làng nghề; tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề; quảng bá, giới thiệu các làng nghề, phố nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước; qua đó từng bước thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển du lịch trong các làng nghề.
“Sự tham gia của các gian hàng của quốc gia trên thế giới tại Festival sẽ tạo ra điểm nhấn, điểm trải nghiệm cho du khách đến tham quan, đồng thời, giúp cho chính các nghệ nhân Việt hình dung được sự thay đổi, nắm bắt xu hướng nhu cầu thế giới để tự hoàn thiện mình”, ông Nguyễn Minh Tiến chia sẻ.
Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 801 ngày 7/7/2022 phê duyệt chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Theo Quyết định này, đặt mục tiêu xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ đạt 6 tỷ USD, trong khi đó năm 2022 Việt Nam đã xuất khẩu được 2,4 tỷ USD.
Theo ông Hòa, Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ nhiều năm, tuy nhiên có thời điểm chúng ta sản xuất đại trà, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, bởi vậy, thời gian tới phải nâng tầm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Thông qua Festival sẽ giúp các làng nghề có thể giao lưu, trao đổi, tìm kiếm thị trường... “Nếu không đổi mới sáng tạo, thay đổi thiết kế, mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ sẽ chắc chắn khó khăn trong xuất khẩu”, ông Lê Thanh Hòa gợi mở.
Là đơn vị đồng hành cùng chương trình, ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, Festival Bảo tồn và phát triển Làng nghề Việt Nam 2023 là cơ hội để người dân, nghệ nhân làng nghề Hà Nội có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế. Từ đó, kết tinh được sản phẩm nhằm vừa bảo tồn làng nghề, đồng thời phát triển và đáp ứng yêu cầu thị trường trên thế giới.