Không chỉ nổi tiếng với các công trình kiến trúc cảnh quan độc đáo, món ăn nổi tiếng, Thủ đô Hà Nội còn được biết đến với nhiều sản phẩm thủ công tinh xảo được tạo ra từ những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, óc sáng tạo phong phú của các nghệ nhân làng nghề. Trên địa bàn Thành phố, tập trung hơn 1.350 làng nghề với khoảng 176 nghìn hộ làm nghề, chiếm 45% tổng số làng nghề trong cả nước.
Tiếp sức cho sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề |
Bên cạnh đó, không chỉ dẫn đầu cả nước về số lượng làng nghề, Hà Nội hiện cũng đang là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, đến nay, trên địa bàn thành phố có 1.649 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm 5 sao, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao.
Trong thời gian qua, Trung ương và thành phố Hà Nội luôn quan tâm, hỗ trợ các làng nghề, các chủ thể OCOP trong phát triển sản phẩm thủ thông qua các chương trình Khuyến công, Xúc tiến thương mại, du lịch nhằm phát triển kinh tế, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu của các địa phương và doanh nghiệp. Các sản phẩm của làng nghề, của chủ thể OCOP đa dạng chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Trong đó, riêng trong năm 2022, Thành phố đã phát triển 28 Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại 14 quận, huyện, nâng tổng số điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố đến nay là 85 địa điểm, tạo điều kiện để người tiêu dùng Thủ đô nhận diện và tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường tiếp tục có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, kinh tế cả nước và Thành phố bị ảnh hưởng rõ rệt, nhất là thị trường xuất khẩu, sức mua của thị trường nội địa, sản xuất, kinh doanh có xu hướng chậm lại. Đầu ra của các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP gặp khó khăn.
Đáng chú ý, hiện nghề thủ công mỹ nghệ của Hà Nội chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình. Nhiều nghệ nhân, thợ giỏi sáng tác mẫu đẹp về mỹ thuật nhưng thiếu tính thương mại, chưa phù hợp với thị hiếu khách hàng hoặc khó sản xuất đáp ứng các đơn hàng lớn, còn có sản phẩm đơn giản, giá trị thấp.
Nhằm hỗ trợ cho các làng nghề, các sản phẩm OCOP trong công tác thiết kế, xúc tiến thương mại, ngày 10/2/2023, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND về phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.
Thực hiện Kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội, ngày 3/3/2023, Sở Công Thương Hà Nội ban hành Kế hoạch số 879/KH-SCT về Phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023 trong đó giao Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp chủ trì tổ chức thực hiện.
Theo Kế hoạch, Hà Nội phấn đấu đến cuối năm 2023 sẽ phát triển được 5 - 9 mô hình Trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch, tại xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm); xã Duyên Thái (huyện Thường Tín); xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên); xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ); xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì); xã Di Trạch (huyện Hoài Đức); xã Vân Hà (huyện Đông Anh); xã Hòa Lâm (huyện Ứng Hòa); Làng nghề Dệt lụa tơ tằm Vạn Phúc (quận Hà Đông).
Đến cuối năm 2025, UBND các huyện còn lại phấn đấu xây dựng phát triển Trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch (ít nhất 1 trung tâm/huyện).
Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại HTX hoa cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Hạnh) |
Bà Trần Thị Phương Lan – Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội – cho biết, việc thành lập các Trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch sẽ giúp kiến tạo môi trường triển khai các hoạt động hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn, chủ thể sản xuất kinh doanh làng nghề hình thành và phát triển hoạt động thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển các hình thức du lịch trải nghiệm góp phần tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn trên địa bàn Thành phố.
Bên cạnh đó, sẽ nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề, xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo, sản xuất - chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trong kinh tế tuần hoàn, góp phần xây dựng thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, tạo môi trường liên kết giữa nghệ nhân, đội ngũ thiết kế trẻ với tinh thần khởi nghiệp; các Viện nghiên cứu, Trường Đại học chuyên ngành, tổ chức quốc tế phát huy ưu thế văn hóa địa phương, khát vọng phát triển kinh tế của cộng đồng tại làng nghề truyền thống trên địa bàn các huyện, thị xã.
Về phía Sở Công Thương Hà Nội, bên cạnh việc xây dựng và ban hành bộ tiêu chí đánh giá, hướng dẫn, phát triển mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn Thành phố, Sở sẽ hướng dẫn các quận, huyện, thị xã trong phát triển mô hình Trung tâm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức vai trò của hoạt động Trung tâm này.