Cửa hàng quần áo vắng khách, xu hướng thuê trang phục lên ngôi dịp cuối năm Thị trường đồ trang trí Tết 2024: Hàng đẹp, giá tốt, sôi động trên “chợ mạng” |
"Kinh đô thời trang" vắng hoe
Không khí của những ngày giáp Tết dường như chưa gõ cửa các cửa hàng thời trang. Trên các tuyến phố Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Núi Trúc, Đặng Văn Ngữ,… được ví như những “kinh đô thời trang” của Thủ đô Hà Nội đã giăng kín biển hiệu quảng cáo với chương trình giảm giá sâu, khuyến mãi khủng, tuy vậy lượng khách ghé đến vẫn còn khá thưa thớt. Shop thời trang nam Độc Menswear trên tuyến đường Xuân Thuỷ (Cầu Giấy, TP. Hà Nội) là một trong những thương hiệu không còn mấy xa lạ với giới trẻ Hà Thành cũng gặp cảnh đìu hiu, thưa thớt khách hàng ghé thăm. Theo nhân viên ở đây, có thể sức mua sắm đã trở nên bão hoà từ các đợt Black Friday, Giáng sinh, Tết tây nên đến Tết Nguyên đán, người mua không còn mấy mặn mà.
Nhiều cửa hàng thời trang chạy đua trong những ngày cận Tết với những bảng hiệu giảm giá lên đến 50%. |
Không chỉ có giảm sâu từ 50-70% và ưu đãi mua 1 tặng 1… mà còn “xả hết” chỉ 49.000 đồng/sản phẩm. |
Người Việt xưa nay vẫn luôn gắn liền với lối sống sắm sửa áo mới vào ngày Tết. Mang tâm lý “Tống cựu, nghinh tân” mỗi dịp tết đến xuân về, ai cũng đều mong muốn mọi thứ phải mới mẻ, tinh tươm, thơm tho, sạch đẹp. Thế nhưng, với những gì đang diễn ra trên thị trường thời trang tại TP. Hà Nội, có thể thấy rằng, người thành thị đang không còn mặn mà với việc sắm đồ mặc Tết nữa. Anh Nguyễn Thạch Kiên, chủ một thương hiệu thời trang công sở dành cho nam nằm ở vị trí trung tâm của phố Chùa Bộc – tuyến đường sầm uất chuyên kinh doanh về lĩnh vực thời trang chia sẻ: “Dù đã ra mắt 2 bộ sưu tập thu, đông và chạy cả chương trình sale Tết lên đến 50 – 70%, song năm nay doanh số sụt cửa hàng vẫn giảm hơn 30% so với cùng kỳ của những năm trước. Chúng tôi đã chạy nhiều chương trình giảm giá trên toàn hệ thống từ online, live stream tuần 1 – 2 lần nhưng doanh thu vẫn không khả quan”.
Mặc dù đã sale mạnh trên toàn bộ hệ thống cửa hàng nhưng các thương hiệu lớn trong các khu trung tâm thương mại cũng chung cảnh ngộ “đìu hiu”, vắng khách. |
Nói về lý do khiến thực trạng dù đã giảm giá “kịch sàn” mà khách vẫn không thiết tha, theo anh Kiên: “Có lẽ phần lớn là do tình hình kinh tế gần đây lạm phát, người dân tự tạo cho mình tâm lý cần phải cắt giảm chi tiêu. Cũng vào khoảng thời gian này, thời tiết ẩm ương nóng, lạnh thất thường cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý mua sắm của khách hàng. Họ phân vân không biết mua đồ gì cho phù hợp với thời tiết”.
Xu thế mua sắm thay đổi
Theo những báo cáo mới nhất của McKinsey & Company (Công ty tư vấn quản lý và chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ) vào cuối năm 2023 cho thấy người tiêu dùng tại Việt Nam đang dần trở nên cầu toàn hơn sau đại dịch Covid 19. Ngoài việc bị thu hút phần nhiều bởi các kênh thời trang thương mại điện tử và có xu hướng ưa chuộng nền tảng đa kênh thì chính những tác động tiêu cực của nền kinh tế cũng gây ra “rào cản” trong tâm lý chi tiêu, mua sắm của người tiêu dùng trong thời điểm hiện nay.
Cùng thời điểm đó, kết quả khảo sát và sử dụng nghiên cứu từ Báo cáo Xu hướng Tiêu dùng (Cónumer Trends Report), Hubspot (Công ty chuyên phát triển và sáng tạo các nền tảng phục vụ cho các hoạt động Marketing, Sale và chăm sóc khách hàng) đã dự báo những xu hướng nổi bật trong hoạt động mua sắm tại Việt Nam trong năm 2024, nhấn mạnh việc người tiêu dùng đang có xu hướng mua sắm phần lớn thông qua các ứng dụng mạng xã hội và dùng đa số thời gian rảnh để tìm kiếm thông tin sản phẩm trên các kênh thời trang online.
Chính sự gia tăng mạnh mẽ của thế hệ gen Z và Milennial (thế hệ 1980 đến 2000), mua sắm qua ứng dụng di động và trải nghiệm các thương hiệu trực tuyến đã tạo nên bước chuyển mình vô cùng mạnh mẽ cho thị trường thời trang và tạo nên cú hích lớn cho thời trang thương mại điện tử. Họ có xu hướng ưa chuộng mua sắm thông qua ứng dụng di động và tìm kiếm thông tin thương hiệu trực tuyến với mong muốn có sự trải nghiệm sản phẩm ngay trên ứng dụng di động của mình.
Người tiêu dùng đang có xu hướng mua sắm phần lớn thông qua các ứng dụng mạng xã hội. |
Những năm gần đây, chứng kiến sự thống trị của hàng loạt các “ông lớn” như Shopee, Lazada và Tiki, chiếm tới 74% thị phần truy cập. Thế hệ gen Z đã góp phần lớn trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng, từ sau đại dịch Covid-19, ngành thương mại điện tử thời trang liên tục tăng trưởng liên tiếp ở mức 2 con số. Sự thay đổi này giúp các thương hiệu dành sự quan tâm lớn cho việc phát triển kênh bán hàng và trải nghiệm online không có nghĩa là khiến họ “bỏ rơi” hệ thống bán lẻ và các cửa hàng mua sắm. Thay vì chỉ dừng lại ở việc xả hàng ồ ạt, bán tháo tràn lan và giảm giá kịch sàn vào những ngày cuối năm các cửa thời trang có thể thúc đẩy tính sáng tạo theo hướng đa dạng hoá trải nghiệm. Cung cấp các sản phẩm mang tính ứng dụng cao và có trách nhiệm cộng đồng…
Các chương trình này vừa tạo ra những trải nghiệm thân thiết giữa người mua cùng với nhãn hàng “offline to online” và ngược lại online to offline vừa có thể thoả mãn sự biến thiên của thị trường thời trang đầy biến động.