Hà Giang: Tạo cơ chế thông thoáng cho nghiên cứu, ứng dụng Khoa học và Công nghệ |
Khoa học công nghệ “nâng tầm” sản xuất nông nghiệp
Lên với nhiều xã vùng cao của tỉnh Hà Giang hôm nay, khá bất ngờ khi nghe đồng bào dân tộc nơi đây bày nhau cách thụ tinh nhân tạo cho đàn trâu, bò; sản xuất giống cá Bỗng quý hiếm; chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAHP…
Với nhiều địa phương có rừng, người dân đã có thể theo dõi diễn biến rừng, cảnh báo phòng cháy, chữa cháy rừng thông qua các thiết bị tiên tiến thay vì chỉ “trông trời, trông đất, trông mây” như trước kia. Tại các địa phương như huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, gỗ thu hoạch được còn có thể truy xuất nguồn gốc nhờ được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC trước đó…
Tại nhiều bản làng cheo leo trên núi cao, nếu như trước kia đồng bào chỉ biết đến cây ngô, thì giờ đây bà con đã chủ động trồng nhiều loại dược liệu cấy mô có giá trị kinh tế cao như: Đinh lăng, gừng gió, lan kim tuyến, lan thạch hộc, hà thủ ô đỏ, sa nhân tím, ba kích tím, hoàng tinh hoa đỏ…
Thay vì khai thác tự nhiên, nuôi trồng tự phát, giờ đây, tại tỉnh Hà Giang, dễ dàng nhìn thấy các vùng sản xuất tập trung (thảo quả, chè, cam), với những vườn cam trĩu quả, những nương chè, nương thảo quả được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cho hiệu quả cao cũng đã và đang được nhân rộng.
Tỉnh Hà Giang chủ trương đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng |
Những chuyển biến tích cực trong nông nghiệp ở Hà Giang trên đây là kết quả của hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ được địa phương này đặc biệt quan tâm trong mấy năm trở lại đây. Trong đó, khắc phục điều kiện khó khăn của tỉnh vùng cao, dân trí còn hạn chế…. Hà Giang kiên trì với định hướng coi khoa học công nghệ là khâu “then chốt” trong sản xuất nông nghiệp; từ đó chủ động ban hành các chủ trương, chính sách hướng dẫn, thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới sáng tạo; tập trung đưa hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ hướng về cơ sở - nhất là các xã trọng tâm, trọng điểm sản xuất nông nghiệp.
Kết quả, đến năm 2022, tỉnh Hà Giang đã cấp giấy chứng nhận cho 5 doanh nghiệp khoa học công nghệ thuộc các lĩnh vực. Với sự tham gia của các doanh nghiệp khoa học công nghệ, nông nghiệp của tỉnh Hà Giang đã chuyển dần từ nhỏ lẻ sang sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn; gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu, đưa tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản bình quân đạt gần 5%/năm trong 5 năm gần đây; đóng góp phần lớn vào tổng sản phẩm (GRDP) tỉnh Hà Giang.
Dây chuyền thiết bị hạ thuỷ phần mật ong góp phần nâng cao chất lượng, giá trị mật ong bạc hà Cao nguyên đá tỉnh Hà Giang |
Tiếp tục tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ
Với trên 80% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, chính vì vậy để phát triển kinh tế, giúp người dân có cuộc sống ấm no; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII tỉnh Hà Giang xác định “tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo” là một mục tiêu quan trọng để đến năm 2025 Hà Giang trở thành tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Hải Lý: “Hiện tại, do thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước nên việc ứng dụng khoa học công nghệ của người dân mới chỉ dừng lại ở khâu sản xuất, mà chưa áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào khâu bảo quản, chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang vẫn chưa có khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quy hoạch, đầu tư. Việc thu hút doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Không chỉ có điều kiện địa hình độ dốc lớn, phân chia nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, Hà Giang còn có nhiều dân tộc sinh sống với tập quán canh tác mang tính tự cung, tự cấp, sản xuất nhỏ lẻ… dẫn đến việc triển khai, nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn”.
Ứng dụng khoa học công nghệ trong lựa chọn giống và áp dụng quy trình sản xuất tiến bộ giúp người dân tăng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp |
Xác định được hạn chế này và với mục tiêu đưa ngành nông nghiệp có những bước tiến mạnh mẽ, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, từ đó hình thành các vùng hàng hoá mang tính đặc trưng, cạnh tranh cao… Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII đã ban hành Nghị quyết số 17 về “Phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025”. Trong đó, xác định đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử trong việc quản lý vùng trồng và tiêu thụ sản phẩm; kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị từ công tác bảo tồn gen, nguồn giống đến sản xuất giống, lựa chọn vùng sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tập trung huy động nguồn lực, tăng cường liên kết sản xuất, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch, tạo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống nhân dân.
Với quyết tâm và chủ trương đã được xác định, tỉnh Hà Giang kỳ vọng sẽ ngày càng đưa được nhiều hàm lượng khoa học công nghệ cấu thành vào trong giá trị của sản phẩm - vừa để nâng tầm giá trị nông sản địa phương, đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm ngon sạch của người tiêu dùng; vừa ứng phó với linh hoạt với những vấn đề đặt ra đối với phát triển nông nghiệp do biến đổi khí hậu.