Một ngày với “gã người Mông” làm du lịch xanh Lào Cai: Gương sáng gia đình người Mông trở thành triệu phú từ trồng quế Nghi lễ mời, đón, rước thần giữ lửa của người Mông |
Trong những năm vừa qua, việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Nghị quyết số 05/NQ-TU của BCH Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ đã có tác động mạnh mẽ tới ý thức và hành động của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung và xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì nói riêng trong việc vượt khó, quyết tâm vươn lên thoát nghèo ngay trên mảnh đất quê hương mình.
Một trong những hộ gia đình tiêu biểu cho ý chí, quyết tâm đó là gia đình anh Giàng Chẩn Dì, sinh năm 1980, người dân tộc Mông tại cụm Lao Sán, thôn Bản Pắng, xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.
Vợ chồng anh Giàng Chần Dì người dân tộc Mông |
Một sáng mùa đông, chúng tôi theo chân các đồng chí cán bộ Đội vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Bản Máy (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang) đến nhà anh Giàng Chẩn Dì. Vượt qua những cung đường đèo cheo leo, cụm dân tộc Mông ở Lao Sán chìm trong sương mù với cái rét cắt da thịt, từng nếp nhà chênh vênh trên những ngọn núi khô cằn đầy cát sỏi mới thẩu hiểu được sự khó khăn của bà con dân tộc Mông nơi đây.
Trước điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, gia đình anh Dì trước đây cũng như nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn xã chỉ trông chờ vào một vụ lúa, ngô và sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều hộ gia đình không muốn thoát nghèo vì không muốn mất đi chế độ hỗ trợ của Nhà nước mặc dù có tiềm năng để phát triển kinh tế. Cũng vì thế mà cái nghèo tồn tại dai dẳng từ bao đời nay, len lỏi trong mỗi căn nhà, ngõ xóm, in hằn lên bóng dáng lam lũ, tần tảo của người dân nơi đây.
Cán bộ Đồn BP Bản Máy, BĐBP tỉnh Hà Giang tuyên truyền, vận động gia đình anh Dì phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ hủ tục lạc hậu |
Trước thực tế đó, cấp ủy, chính quyền địa phương xã đã thường xuyên phối hợp với Đồn Biên phòng Bản Máy, Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 4 thuộc Đoàn Kinh tế quốc phòng 313 đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và Đề án cải tạo vườn tạp.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Dì cho biết: "Trước kia nhà mình nghèo lắm, chỉ cấy một vụ lúa, vụ ngô thôi. Lợn, gà, trâu bò ít, thu nhập của cả gia đình 8 người chưa được 10 triệu đồng một năm. Cuộc sống khó khăn quá, mình thương vợ con lắm. Cái bụng nghĩ phải làm ăn chăm chỉ để thoát nghèo thôi!".
Gia đình anh Dì chăm sóc cây sa nhân |
Được sự vận động của Bộ đội Biên phòng, Đoàn Kinh tế quốc phòng (KTQP) 313 và cấp ủy, chính quyền địa phương, gia đình anh Giàng Chẩn Dì đã tìm được hướng đi đúng đắn cho bài toán thoát nghèo. Từ số vốn 20 triệu đồng vay mượn, anh đã mua 15.000 cây sa nhân giống để trồng cải tạo vườn tạp quanh nhà và 02 ha rừng được giao. Hàng ngày, cả gia đình miệt mài chăm sóc sa nhân theo đúng hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông xã, đồn biên phòng và Đoàn KTQP 313. Cây sa nhân không phụ công người, phát triển thuận lợi, không tốn phân bón, thuốc trừ sâu lại còn chống sói mòn đất và giữ ẩm tốt. Năm 2021, gia đình anh Dì được hưởng thành quả đầu tiên khi thu hoạch 01 tạ sa nhân với giá 120 nghìn đồng/kg được 12 triệu đồng. Năm 2022 thu hoạch được 02 tạ với giá 35 nghìn đồng/kg được 7 triệu đồng.
Nhận thấy cây sa nhân có tiềm năng lớn để xuất khẩu, dù giá thấp nhưng gia đình anh vẫn kiên trì chăm sóc cây để sang năm cho năng suất cao. Năm 2023 vừa qua, gia đình anh thu hoach được 1,3 tấn sa nhân, bán cho thương lái thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc với giá 78 nhìn đồng/kg, thu lãi 102 triệu đồng; bán 15.000 cây giống với giá 3,5 nghìn đồng/cây được 52,5 triệu đồng, tổng thu hoạch từ bán quả và cây giống được 154,5 triệu đồng.
Ngoài ra, gia đình anh còn tích cực chăn nuôi lợn đen, gà, vịt, trâu, bò, tự trồng rau sạch để cải thiện cuộc sống và tăng thêm thu nhập. Đến nay, gia đình anh Dì đã trả hết nợ, mua sắm được nhiều đồ dùng tiện nghi trong gia đình, cuộc sống đã ấm no hơn. Không chỉ lao động sản xuất tốt, gia đình anh còn giúp nhiều bà con trong xã về cây giống, kỹ thuật chăm sóc và đầu ra sản phẩm. Khâm phục trước ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo của gia đình anh Dì, đến nay đã có nhiều hộ là đồng bào các dân tộc La Chí, Tày, Nùng trên địa bàn xã đến tham quan học hỏi mô hình trồng cây sa nhân của gia đình với ước mong về một cuộc sống ngày mai tươi sáng hơn.
Cán bộ BĐBP hướng dẫn gia đình anh Giàng Chần Dì chăm sóc vườn cây sa nhân |
Vui mừng phấn khởi trước thành quả mà gia đình anh Dì đạt được, đồng chí trung tá Nguyễn Công Giang- Phó bí thư Đảng ủy xã Bản Máy cho biết: "Bản Máy là một xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Hoàng Su Phì với tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm hơn 75% dân số. Một trong những nguyên nhân dẫn tới cái nghèo nơi đây chính là một bộ phận đồng bào còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thiếu ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Gia đình anh Giàng Chẩn Dì thực sự là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó vươn lên phát triển kinh tế. Trong thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã sẽ tiếp tục phối hợp với Đồn BP Bản Máy, Đội Sản xuất số 4 của Đoàn KTQP 313 đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân rộng gương điển hình này".
Năm cũ sắp qua, một mùa xuân mới đang về mang theo bao niềm tin, khát vọng của gia đình anh Giàng Chẩn Dì. Tết năm nay chắc chắn sẽ là cái Tết vui tươi nhất của gia đình từ trước đến nay sau một năm lao động miệt mài thu về nhiều thành quả ngọt ngào. Chia tay gia đình, đoàn chúng tôi ra về dưới ánh nắng vàng rực rỡ, lòng ai cũng rạo rực niềm vui và cảm phục trước những lời tâm sự mộc mạc của anh Dì: "Muốn thoát cái nghèo, cái đầu mình phải có quyết tâm, phải kiên trì, cả gia đình cùng chăm chỉ làm việc. Không có việc gì khó, chỉ sợ cái lòng mình không bền, phải giàu có để xây dựng quê hương, giữ gìn nét đẹp văn hóa của người Mông mình và bảo vệ biên giới cùng cán bộ biên phòng chứ".