Chiều 8/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác của Quốc hội đã làm việc với Tổng Công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí về Luật dầu khí (sửa đổi).
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, tất cả những kiến nghị của các đơn vị là có cơ sở và xác đáng. Thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã có nhiều kiến nghị liên quan đến Nghị định 124 về việc đơn giản hóa quy trình thủ tục. Về cơ chế đấu thầu, Tuy nhiên hiện nay Việt Nam đang hội nhập sâu với thế giới, chúng ta tham gia cùng một sân chơi nên tất cả những quy định này chúng ta phải có biện pháp xử lý khéo léo, để không vi phạm những cam kết hội nhập.
Những kiến nghị khác như Quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công (Nghị định 167/2017/NĐ-CP và Nghị định 67/2021/NĐ-CP), thuế VAT, pháp lệnh ngoại hối... Bộ Công Thương ủng hộ việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho hoạt động. Song, những kiến nghị trên liên quan đến rất nhiều Bộ, ngành như Bộ Tài Chính, Bộ Tài nguyên Môi trường, Ngân hàng Nhà nước thì Bộ Công Thương sẽ tiếp thu và chuyển đến các Bộ, ngành.
Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị Ủy ban của Quốc hội có báo cáo với Thủ tướng để Chính phủ và các Bộ ngành liên quan sẽ xem xét và có hướng tháo gỡ vướng mắc trong quy định của pháp luật về dầu khí; cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước; có cơ chế, chính sách đặc thù cho ngành dầu khí và quy định cụ thể trong Luật Dầu khí để thống nhất áp dụng; tạo điều kiện để khai thác tốt nhất tiềm năng dầu khí trong nước, tận dụng giai đoạn nhu cầu năng lượng hóa thạch vẫn còn cao, đồng thời, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn khí tự nhiên và các dạng năng lượng mới trong lĩnh vực dầu khí, hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu, định hướng theo Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và đoàn công tác làm việc với Tổng Công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam về Luật dầu khí (sửa đổi) |
“Tất cả những kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các thành viên là có cơ sở, những nội dung thuộc thẩm quyền Bộ Công Thương sẽ giải quyết. Với những nội dung ngoài thẩm quyền, Bộ sẽ có văn bản để trình Chính phủ xem xét để tháo gỡ”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Trước đó, báo cáo với đoàn công tác, ông Phan Thanh Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu công ty đạt 6.600 tỷ đồng, đạt 165% kế hoạch 6 tháng đầu năm, bằng 66% kế hoạch năm, tăng 13% so với thực hiện cùng kỳ năm trước; lợi nhuận hợp nhất trước thuế thực hiện 6 tháng đầu năm 2022 là 380 tỷ đồng, đạt 156% kế hoạch 6 tháng đầu năm, bằng 62% kế hoạch năm, giảm 9% so với thực hiện cùng kỳ năm trước.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và đoàn công tác tặng quà cho cán bộ công nhân viên tàu FPSO Lam Sơn |
Với Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí, từ năm 2017 đến nay, hoạt động khai thác hiện tại đang được thực hiện trong tình trạng tạm thời nên các hợp đồng dịch vụ thường được ký ngắn hạn, khó khăn trong việc tối ưu chi phí. Hiện nay, Dự án chưa có cơ chế pháp lý mới, vì vậy chưa đầu tư khoan bổ sung thêm giếng khai thác đan dày để gia tăng hệ số thu hồi dầu, kéo dài thời gian khai thác mỏ nhằm tận thu tài nguyên dầu khí và cải thiện hiệu quả kinh tế của Dự án.
Theo ông Phan Thanh Tùng, việc bổ sung Luật Dầu khí và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo Luật dầu khí sửa đổi vẫn đang có chiều hướng bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này, bao gồm Tổng Công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam.
Luật Dầu khí (sửa đổi) cần có quy định đặc thù cho lĩnh vực tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí theo hướng áp dụng tối đa các điều kiện của Luật chuyên ngành, phù hợp với thông lệ quốc tế. Cụ thể, Ban hành các cơ chế, chính sách cho hoạt động cung cấp dịch vụ “liên quan trực tiếp” đến hoạt động dầu khí, áp dụng tối đa các điều kiện của Luật chuyên ngành và phù hợp với thông lệ quốc tế. Không tổ chức đấu thầu quốc tế cho các gói thầu mà nhà thầu trong nước đã đủ khả năng thực hiện.