Nhằm hoàn thiện dự án Luật Dầu Khí (sửa đổi), chiều ngày 7/7 đoàn công tác của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn đã tổ chức chuyến thăm và làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và liên doanh Việt Nga Vietsovpetro để lấy ý kiến, đồng thời lắng nghe và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua.
Tham dự đoàn công tác có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo cùng các thành viên trong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, lãnh đạo Liên doanh VietsoPetro.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, hiện nay, trữ lượng các mỏ dầu đang giảm dần, việc phát hiện tìm kiếm các mỏ dầu mới hạn chế, trữ lượng nhỏ. Việc khai thác đang gặp nhiều khó khăn do các mỏ ở xa, địa hình trắc trở. Chính vì vậy, Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ góp phần giúp doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu khí hoạt động ổn định, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và liên doanh Việt Nga VietsoPetro về Luật dầu khí sửa đổi |
Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 11 Chương 64 điều. Theo đó, Luật Dầu khí (sửa đổi) kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Dầu khí hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các hợp đồng dầu khí, Hiệp định đã ký kết; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật.
Nội dung của dự thảo Luật giải quyết 6 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 17 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Cụ thể: Thứ nhất, chính sách về bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí.
Thứ hai, chính sách quy định về điều tra cơ bản về dầu khí và trình tự, phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí gồm các giai đoạn tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí.
Thứ ba, chính sách quy định khung cho việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý.
Thứ tư, chính sách về ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí.
Thứ năm, chính sách quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khí.
Thứ sáu, chính sách quy định khung việc cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí và nghĩa vụ chia sẻ công trình dầu khí, cơ sở hạ tầng sẵn có nhằm sử dụng tối ưu, hiệu quả hệ thống hạ tầng cơ sở sẵn có, tránh lãng phí trong đầu tư.
Ngoài ra, căn cứ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã thiết kế trong dự thảo Luật một chương quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.