Đoàn công tác của Quốc hội làm việc về Luật dầu khí (sửa đổi) tại Bà Rịa-Vũng Tàu |
Đây là nội dung được đưa ra tại buổi làm việc của đoàn Quốc hội với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro chiều ngày 7/7 tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc với Tập đoàn Petrovietnam và Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro chiều ngày 7/7 tại Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận những đóng góp tích cực của Petrovietnam nói chung và Vietsovpetro nói riêng cho đất nước cũng như địa phương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngay cả trong thời gian rất khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong năm 2021, đơn vị vẫn phát triển khá tốt.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, qua chương trình làm việc, nhiều vấn đề cần đưa vào dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) sắp tới. Tất cả những kiến nghị liên quan Luật Dầu khí (sửa đổi) đã, đang được cơ quan hợp tác chặt chẽ giải quyết xác đáng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng đoàn công tác Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với Tập đoàn Petrovietnam và Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro chiều ngày 7/7 tại Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, dự thảo Luật dầu khí (sửa đổi) gồm 11 chương, 64 điều. Dự luật trình lần này kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật dầu khí hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các hợp đồng đầu khí và hiệp định đã ký kết. Dự án Luật cũng bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam, các thành viên và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.
“Xuất phát từ thực tiễn quản lý, thực trạng thi hành pháp luật và bối cảnh tình hình hiện nay, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) để thay thế Luật Dầu khí năm 1993, năm 2000, năm 2008 là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Trước đó, báo cáo với đoàn công tác, Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Đỗ Chí Thanh cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2022, PVN duy trì ổn định sản lượng khai thác, hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng trưởng tích cực, nộp ngân sách Nhà nước 66,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 5,48 triệu tấn, vượt 23% kế hoạch 6 tháng và bằng 63% kế hoạch năm 2022. Sản lượng khai thác khí đạt 4,13 tỷ m3 bằng 88% kế hoạch 6 tháng (giảm 1% so với cùng kỳ năm 2021). Sản xuất điện đạt 7,95 tỷ kWh, bằng 83% kế hoạch 6 tháng (giảm 16% so với cùng kỳ). Sản xuất đạm đạt 931,5 nghìn tấn, vượt 8% kế hoạch 6 tháng (tăng 17% so với cùng kỳ). Sản xuất xăng dầu (không gồm NSRP) đạt 3,38 triệu tấn, vượt 7% kế hoạch 6 tháng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 47,9 nghìn tỷ đồng vượt 4,6 lần kế hoạch, vượt 96% kế hoạch năm 2022 và tăng 2,0 lần so với cùng kỳ 2021.
Theo ông Thanh, bên cạnh những kết quả tích cực, trong 6 tháng đầu năm nay Petrovietnam phải đối diện với 4 khó khăn, thách thức gồm: Thách thức về phạm vi hoạt động của lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, khó khăn do xu hướng chuyển dịch năng lượng, khó khăn về cơ chế chính sách đặc thù cho ngành dầu khí, khó khăn về thị trường.
Để góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ chủ quyền biển đảo, là trụ cột kinh tế đất nước, Petrovietnam kiến nghị Quốc hội tiếp tục xem xét, ủng hộ các kiến nghị chi tiết về dự thảo Luật dầu khí (sửa đổi) đã trình bày Quốc hội, Ủy ban kinh tế Quốc hội tại các phiên họp, thảo luận vừa qua.
Đối với các khó khăn liên quan đến công tác quản trị, quản lý hoạt động của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Petrovietnam kiến nghị Quốc hội trao đổi với lãnh đạo Quốc hội Cô Oét về thực trạng quản lý điều hành yếu kém của Lọc hóa dầu Nghi Sơn, nguyên nhân cốt lõi dẫn tới khó khăn hiện nay để có ý kiến với nhà đầu tư Cô Oét phối hợp chặt chẽ với Petrovietnam trong công tác tái cấu trúc Lọc hóa dầu Nghi Sơn theo đúng bản chất kinh tế trong thời gian sớm nhất.
Ngoài ra, Tập đoàn Petrovietnam cũng đề nghị Quốc hội sớm ban hành cơ chế chính sách quy định về đầu tư, quản lý vận hành hệ thống Kho dự trữ quốc gia về nguyên liệu dầu thô và các sản phẩm xăng dầu để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất của Petrovietnam tham gia vào các hoạt động này.
Báo cáo với đoàn công tác, đại diện của Vietsopetro cũng cho biết, còn nhiều xung đột, chồng chéo trong áp dụng Luật Dầu khí và các Luật khác liên quan như: Luật đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu. Theo đó, Luật Dầu khí hiện hành chưa có quy định cụ thể về nội dung trình tự, thủ tục triển khai hoạt động dầu khí, gây nhiều khó khăn trong quá trình triển khai công việc, thời gian phê duyệt phê duyệt đầu tư nhiều khi kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án, đặc biệt là khi triển khai các dự án phát triển mỏ. Các dự án có quy mô nhỏ, hiệu quả cận biên chưa có cơ chế ưu đãi thỏa đáng để có thể phát triển dự án nhằm tận thu nguồn tài nguyên. Quy trình, thủ tục liên quan đến phát triển mỏ còn bất cập, nhất là đối việc tính toán hiệu quả kinh tế khi phát triển các mỏ nhỏ…
Nội dung của dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) giải quyết 6 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua (Nghị quyết số 17/2021/QH15), cụ thể: Chính sách bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; Chính sách quy định về điều tra cơ bản và dầu khí và trình tự, phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí gồm các giai đoạn tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; Chính sách quy định khung cho việc thực hiện dự án dầu khí, chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý; Chính sách về ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lo dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí; Chính sách quy định về công tác ký toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khí; Chính sách quy định khung cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng sẵn có nhằm sử dụng tối đa hiệu quả hệ thống hạ tầng cơ sở sẵn có, tránh lãnh phí đầu tư. |