Doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn gì trong hậu đại dịch? Hội nghị toàn quốc Chính phủ với doanh nghiệp 2022: Các chuyên gia kinh tế hiến kế để phục hồi nhanh và phát triển bền vững |
7 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng đáng kể, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động vẫn ở mức cao. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 7 tháng 2022 đạt 94.575 doanh nghiệp, tăng 18,7% so với cùng kỳ 2021.
Các hiệp hội doanh nghiệp nhận định, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong 7 tháng đầu năm của nhiều ngành hàng chưa đạt được kỳ vọng, trong đó các doanh nghiệp xây dựng phần lớn chỉ đạt từ 20-40% kế hoạch năm 2022.
Cộng đồng doanh nghiệp đang đứng trước rất nhiều khó khăn |
Tình hình sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong các tháng cuối năm dự kiến đối mặt với nhiều thách thức, do tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo của các ổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới. Rủi ro, bất định ngày càng gia tăng, biến động về dịch bệnh, chính sách ngày càng tăng nhanh.
Bên cạnh đó, các yếu tố chủ quan như trong nước còn một số vướng mắc đã tồn tại từ lâu nhưng chưa được quan tâm giải quyết, bộ máy thực thi của chính quyền còn hạn chế, gây ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS. Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho rằng: Dịch Covid-19 dù đã kiểm soát được, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã phần nào được khôi phục, tuy nhiên bối cảnh hiện nay lại xuất hiện xung đột về địa chính trị, đặc biệt xung đột Nga - Ukraine, ảnh hưởng rất lớn đến nguyên vật liệu đầu vào, làm tắc nghẽn các chuối cung ứng, ảnh hưởng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đặc biệt là giá xăng dầu, dù thời gian vừa rồi đã có giảm, nhưng giá xăng dầu vẫn ảnh hưởng rất lớn và mang tính chất ảnh hưởng lâu dài, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực giá lương thực thực phẩm, và giá cả đầu vào của nhiều mặt hàng và cả chuỗi cung ứng và quan hệ giữa các nước.
Cần các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp |
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ như giảm phí, thuế, trong đó có cắt giảm phí, thuế để giảm giá xăng dầu, nhưng doanh nghiệp vẫn đang đứng trước rất nhiều khó khăn do đầu vào sản xuất đang gia tăng, thị trường xuất khẩu có nguy cơ bị thu hẹp.
Để gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu, TS. Lương Văn Khôi cho rằng, Việt Nam đang có 15 FTA có hiệu lực, việc khai thác các thị trường này sẽ tạo cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển, nhất là xuất khẩu, thì chúng ta nên khai thác tốt, đây là thị trường lớn để bù đắp cho các thị trường khác có thể bị ảnh hưởng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, một trong những thị trường cần quan tâm là thị trường Trung Quốc, "nhiều người vẫn dị ứng với thị trường này, nhưng quan điểm của tôi đây là thị trường này không thể thay thế, cần khai thác tốt thế mạnh của nó. Bên cạnh đó, thì ngoài việc đáp ứng yêu cầu của các FTA thì Trung Quốc đang nâng cao chất lượng hàng nhập khẩu, nên chúng ta cần đáp ứng tất cả những yêu cầu về hàng hóa, chất lượng sản phẩm thì sẽ đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu tốt hơn" - TS Lương Văn Khôi khẳng định.
TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách - Trường đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra 5 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, bao gồm: Thứ nhất, cần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng và giảm thiểu các thủ tục phiền hà, rút ngắn các thủ tục xuyên biên giới cho thương mại, đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh xuyên biên giới của khu vực trong và ngoài nước.
Thứ hai, thời gian qua Việt Nam đã rất thành công trong việc tận dụng các Hiệp định Thương mại tự do song và đa phương đã ký kết, các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều đến từ việc mở rộng xuất khẩu thông qua các FTA, tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn cần hỗ trợ khu vực doanh nghiệp để khai thác tốt hơn các thị trường này trong thời gian tới.
Thứ ba, cần thúc đẩy sự tham gia sâu hơn các chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp trong nước thông qua các doanh nghiệp FDI. Đây được đánh giá là “bệ đỡ” cho toàn bộ quá trình tăng trưởng của kinh tế đối ngoại nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng.
Thứ tư, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn kinh tế số và thương mại điện tử, nhằm hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu thông qua thương mại điện tử, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn được dự báo diễn biến phức tạp.
Thứ năm, Bộ Công Thương cần tích cực hơn nữa với các chương trình xúc tiến thương mại ra thị trường nước ngoài, nhằm quảng bá sản phẩm của Việt Nam, đồng thời hỗ trợ thông tin, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam trong tiếp cận thị trường khó tính, thị trường mới từ các FTA vừa được ký kết, qua đó thúc đẩy các sản phẩm, hàng hoá Việt Nam có thế mạnh ra thị trường nước ngoài.