Theo ước tính, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn, khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, tín dụng xanh chưa đến 5% tổng vốn tín dụng cho nền kinh tế, hay mới có hơn 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh được phát hành…
Trong khi đó, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, tuần hoàn xanh… đã trở thành định hướng trong chiến lược phát triển kinh tế của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, tài chính xanh đã được khẳng định là hướng đi cần thiết trong việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và đạt được các mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 như đã cam kết của Chính phủ tại COP26.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng cần tập trung xanh hóa 5 lĩnh vực ưu tiên (Ảnh BTC). |
Do đó, cần phải có các cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh.
Đây cũng là nội dung chính của diễn đàn Tài chính xanh năm 2024 với chủ đề “Khởi tạo mạnh mẽ, gia tăng dòng vốn xanh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững”, diễn ra chiều 22/7 tại TP. Hồ Chí Minh.
Tại diễn đàn, đại diện các cơ quan quản lý, các ngân hàng, chuyên gia và các doanh nghiệp cùng thảo luận, đánh giá thực trạng, đề xuất, kiến nghị các giải pháp quan trọng để thúc đẩy thị trường tài chính xanh phát triển mạnh mẽ, tạo động lực then chốt thực hiện thành công Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam trong thời gian tới.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, nhấn mạnh đến giải pháp giúp gia tăng dòng vốn xanh cần tập trung xanh hóa vào 5 lĩnh vực ưu tiên đó là: Nông nghiệp, nông thôn; giao thông đô thị với các phương thức vận tải bền vững; chuyển đổi năng lượng sạch; sản xuất tiêu dùng, phân phối sản phẩm; kinh tế biển.
“Cần gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh và tài chính xanh với quy hoạch, chiến lực phát triển KT-XH. Song song đó, cần có cơ chế, tiêu chí, phương thức đánh giá tác động môi trường như: dự án, công trình, nhà máy xanh; khuyến khích, hỗ trợ đối mới sáng tạo: xe điện, xe tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt, là xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu phục vụ dự báo, cảnh báo và quản lý rủi ro môi trường, biến đổi khí hậu…”, ông Lực đề xuất.
Các chuyên gia đề xuất các giải pháp để thu hút dòng vốn xanh (Ảnh BTC). |
Cùng quan điểm, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đề cập đến các giải pháp thúc đẩy thị trường vốn xanh tại Việt Nam, đó là: hoàn thiện khung pháp lý liên quan; tăng cường công tác truyền thông, giáo dục và đào tạo về phát triển bền vững, tài chính xanh; nghiên cứu, hoàn thiện khung chính sách hỗ trợ; tăng cường hợp tác quốc tế; cơ cấu lại Chỉ số phát triển bền vững (VNSI) được áp dụng cho các sở giao dịch chứng khoán.
Ở góc độ ngân hàng, ông Hà Huy Cường, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á đề xuất cần có giải pháp hướng dẫn chi tiết cho người đi vay (doanh nghiệp xanh). Ông Cường cho biết, phía Ngân hàng Nam Á đang hướng tới 3 trụ cột, đó là: Danh mục tín dụng xám nâng cấp thành danh mục tín dụng xanh, vận hành xanh bằng cách chuyển đổi số và đẩy mạnh tài chính xanh.
Bà Trần Anh Đào – Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành, Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh đưa ra kiến nghị, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về ESG và phát triển bền vững thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn. Nâng cao năng lực của quản trị doanh nghiệp, quản trị ESG, năng lực tuân thủ các chuẩn mực tài chính kế toán. Chú trọng đến yếu tố E&S (môi trường & xã hội) ngay từ khi chuẩn bị dự án. Tuân thủ chặt chẽ các quy định về môi trường như kiểm kê khí nhà kính và giảm nhẹ phát thải.
Tại diễn đàn, các chuyên gia đã thống nhất rằng mặc dù Việt Nam đã đạt được một số thành tựu bước đầu trong lĩnh vực tài chính xanh. Tuy nhiên trong lĩnh vực này cần được đẩy mạnh hơn nữa, nhất là sự đột phá trong việc triển khai từ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách hỗ trợ, chương trình hành động của các cơ quan quản lý nhà nước, đến các đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp, nhà đầu tư trên thị trường.