Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua thương mại điện tử |
Thương mại điện tử ngày càng được mở rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp, người dân biết đến. Đặc biệt dưới sức ép của Covid-19 đã đưa thương mại điện tử trưởng mạnh mẽ, trở thành kênh mua sắm quen thuộc và trở thành một xu thế tất yếu hiện nay.
Những năm gần đây, sản phẩm hàng hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Chính phủ, Bộ, ban, ngành quan tâm, thúc đẩy tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử. Các địa phương có vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng kịp thời nắm bắt cơ hội, tận dụng ưu thế của thương mại điện tử để chủ động phân phối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho người dân địa phương.
Tỉnh Bắc Giang chủ động phân phối, mở rộng kênh tiêu thụ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho người dân địa phương. |
Theo đó, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng), mận tam hoa Bắc Hà (Lào Cai), bí xanh thơm của tỉnh Bắc Kạn... được chào bán ở vị trí ưu tiên trên những sàn thương mại điện tử.
Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu đưa các sản phẩm hàng hoá của mình lên các sàn thương mại điện tử để phát triển thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các sản phẩm hàng hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp hay các hộ sản xuất, kinh doanh thuộc khu vực này thì thương mại điện tử vẫn là một kênh phân phối khá mới mẻ.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng, việc tìm "lối ra" cho nông sản là giải pháp quan trọng hiện nay nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Phải có riêng một hệ thống thương mại điện tử của riêng doanh nghiệp
Là một trong những hợp tác xã có lô hàng đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, Nga, cũng là hợp tác xã đầu tiên của tỉnh Bắc Giang được chứng nhận Global GAP, chia sẻ về quá trình kết nối tiêu thụ các sản phẩm miền núi qua thương mại điện tử, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc hợp tác xã Hồng Xuân cho biết, thương mại điện tử đang dần khẳng định vị trí quan trọng và là giải pháp hiệu quả trong việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, giữ vững chuỗi cung ứng, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp 2 năm vừa qua.
Cụ thể, hiện nay hợp tác xã đang cung cấp nhiều mặt hàng vào các hệ thống siêu thị, Tập đoàn Central Retail, Vincom, Vinmart và các hệ thống siêu thị khác. Các mặt hàng hợp tác xã đều phải có truy xuất nguồn gốc và đặc biệt là khi đã cung cấp lên hệ thống siêu thị và cung cấp lên sàn thương mại điện tử ngoài chất lượng sản phẩm, bao bì đẹp ra thì còn phải có mẫu mã đẹp.
"Để đưa được lên các sàn thì đòi hỏi doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, các sản phẩm đều phải được các cấp giấy chứng nhận VietGAP và Global GAP. Ngoài ra, chúng tôi phải nêu các nhật ký chăm sóc, tiến tới chúng tôi sẽ chuyển sang dần sang chăm sóc nhật ký điện tử, khách hàng khi truy cập vào mã của chúng tôi có thể sẽ biết được quy trình chăm sóc các sản phẩm như thế nào" - ông Dũng chia sẻ.
Hiện việc kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử đang mang lại những thành công nhất định cho doanh nghiệp, song trong tương lai chưa chắc các sàn đã còn tồn tại. Chính vì vậy, phải có một hệ thống thương mại điện tử của riêng doanh nghiệp, đây là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, đây được xem là giai đoạn "tập dượt" giúp cho các doanh nghiệp làm quen và bắt đầu bước chân vào hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại điện tử, từ đó sẽ giúp doanh nghiệp định hướng được hướng đi mình trong hoạt động thương mại điện tử, nhất là đưa nông sản ra thế giới ở thông qua hoạt động thương mại điện tử.
Nhấn mạnh về vai trò của thương mại điện tử và chia sẻ kinh nghiệm trong kinh doanh trong lĩnh vực này, ông Phạm Văn Dũng thông tin thêm, thương mại điện tử đang chiếm một vị trí quan trọng đối với doanh nghiệp, thông qua các sàn thương mại điện tử giúp doanh nghiệp kết nối được với khách hàng trong và ngoài nước một cách "tiết kiệm thời gian" nhất, nhanh và hiệu quả.
Theo đó, cần thay đổi cách bán hàng mới như ngoài việc bán hàng theo cách truyền thống thì nên tiếp tiếp tục đưa lên sàn thương mại điện tử và Youtube. Tuy nhiên, vấn đề là hàng hoá phải đảm bảo chất lượng, ví dụ như đối với vải thiều thì cách bảo quản như thế nào, quá trình vận chuyển, quy cách đóng gói cũng rất quan trọng. Đặc biệt, nên mở thêm các kho trung chuyển, kho tập kết hàng tại các khu vực như miền Bắc, Trung, Nam.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể tuyển lao động trẻ có kiến thức hơn về khoa học kỹ thuật về làm việc, đặc biệt là lao động có kỹ năng về công nghệ như từ cách chụp ảnh, góc chụp đưa hình lên mạng nó rất quan trọng. Thêm nữa, việc nâng cao kỹ năng chăm sóc khách hàng cũng rất cần thiết. Sự khéo léo, nhẹ nhàng và tư vấn tốt của nhân viên sẽ tạo được niềm tin cho khách hàng.
"Quan điểm của chúng tôi là muốn làm tốt thì chất lượng hàng của sản phẩm phải đẹp, đến tay khách hàng sẽ có một số sản phẩm kém đi nhưng chúng tôi cam kết với khách hàng là 1 đổi 1 nếu sản phẩm lỗi do vận chuyển mà khách hàng không phải trả thêm bất cứ một phí gì khác" - ông Dũng nói.
"Việc tận dụng lợi thế của thương mại điện tử đang mở ra cánh cửa rộng mở cho doanh nghiệp, đơn giản như chúng tôi, từ việc bỡ ngỡ bước chân vào thương mại điện tử, chỉ 30 ngày chúng tôi đã bán được trên trăm tấn vải trên sàn. Lúc đầu tôi nghĩ là khó bán bởi vì cách tiếp cận công nghệ của mình kém, tuy nhiên nhờ các anh trên sàn hỗ trợ, ngoài việc sản phẩm được quảng bá rộng rãi chúng tôi đã thực sự có một nguồn thu nhập tốt" - ông Dũng cho hay.
Doanh nghiệp chậm hơn người tiêu dùng trong quá trình chuyển đổi số
Mặc dù nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã "nhập cuộc" tốt, bắt kịp xu thế, song ông Nguyễn Bình Minh cho rằng, hiện doanh nghiệp đang tỏ ra chậm hơn so với người tiêu dùng trong quá trình chuyển đổi số. Bởi hiện người dùng đã quá quen với các ứng dụng di động các website mobile, hoạt động ở trên Internet, trong khi nhiều doanh nghiệp còn chưa kịp triển khai website mobile, chưa kịp triển khai ứng dụng di động.
Theo đó, ông đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử đưa ra giải pháp, để thúc đẩy kênh tiêu thụ qua thương mại điện tử doanh nghiệp cần biết tận dụng việc dân số việt Nam là dân số trẻ và trình độ công nghệ tương đối cao và quá trình chuyển đổi của người tiêu dùng cũng rất nhanh, học công nghệ mới rất dễ.
Ví dụ, ứng dụng công nghệ về chat box hay định danh khách hàng điện tử nhận diện khuôn mặt… ở Việt Nam triển khai được những hoạt động sẽ trở nên đơn giản, nhanh và tiện hơn, doanh nghiệp sẽ tận dụng được tiềm năng rất lớn từ thị trường.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú ý phát triển đầu tư các hoạt động về marketing, quảng bá và làm thương hiệu ở trên Internet. Việc đầu tư làm thương hiệu hay quảng bá hình ảnh, nâng cao các kỹ năng về marketing trên nền tảng số là những điều doanh nghiệp cần đầu tư và sẽ mang tới cho doanh nghiệp một bước nhảy mới trong thời kỳ chuyển đổi số.
Theo đánh giá chung, thời gian tới, để có thể phát triển hơn nữa việc tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua các kênh thương mại điện tử, bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương cũng như các doanh nghiệp cần có những giải pháp đồng bộ hơn về mặt tổ chức công nghệ, nguồn nhân lực, xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung làm cơ sở cho phát triển sản phẩm hàng hóa tại các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường cũng như là quy định của các sàn thương mại điện tử .
Thời gian qua, các chính sách ưu tiên phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã và đang bước đầu mang lại những kết quả tích cực, nhất là việc số hóa hoạt động thương mại, phân phối. Do đó, thời gian tới, tạo đầu ra cho nông sản thông qua thương mại điện tử sẽ là giải pháp ưu tiên hàng đầu tại các vùng miền.
Theo dự báo của Google, Temasek và Bain & Company, quy mô thương mại điện tử Việt Nam hiện đạt giá trị 21 tỷ USD và dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng lên khoảng 29 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có thị trường thương mại điện tử đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN. Đây là cơ hội lớn cho nông sản Việt nói chung và nông sản vùng miền nói riêng sẽ có cơ hội "sải cánh". |