Hội thảo “Giải pháp bao bì bền vững-Mắt xích quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn” do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) - Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.
Ông Nguyễn Văn Việt -Chủ tịch VBA cho rằng ngành đồ uống sẽ có lợi khi áp dụng kinh tế tuần hoàn với các giải pháp bao bì bền vững |
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, ngành đồ uống sẽ có lợi ích khi áp dụng kinh tế tuần hoàn với các sản phẩm tiềm năng như bã hèm, men thải, các loại bao bì, pallet nhựa, thùng rác.
Chủ tịch VBA Nguyễn Văn Việt trích dẫn số liệu của Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, mỗi năm, cả nước thải ra gần 35.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn chất thải sinh hoạt nông thôn.
Theo báo cáo năm 2023 của Ngân hàng Thế giới, ước tính Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD mỗi năm vì không tái chế riêng rác thải nhựa từ sinh hoạt. Còn chất thải hữu cơ ước tính lãng phí hơn 30 tỷ USD mỗi năm khi gần 70% không được tái chế... Việc tận dụng được nguồn rác thải này chắc chắn đem lại lợi ích cho các bên.
Toàn cảnh hội thảo |
Kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp ưu tiên, quan trọng được nêu ra trong các định hướng chính sách của Trung ương, pháp luật bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Áp dụng kinh tế tuần hoàn trong ngành đồ uống chứa đựng nhiều tiềm năng cao, cơ hội mới cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này.
Các doanh nghiệp có thể áp dụng các giải pháp kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn thiết kế, lựa chọn vật liệu, thiết kế các sản phẩm, thiết kế quy trình phân phối, tiêu thụ và thu hồi để đảm bảo hạn chế tối đa sử dụng nguyên liệu, vật liệu thô, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế phát sinh chất thải và tác động xấu đến môi trường.
Tính bền vững đang trở thành giá trị cốt lõi trong hoạt động của các doanh nghiệp ngành đồ uống, giúp doanh nghiệp xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh của mình.
Một số mô hình tiêu biểu như: 3 trụ cột trong thực hiện các chính sách về môi trường (trung hòa carbon, bảo tồn nguồn nước và kinh tế tuần hoàn) của Heineken đặt ra 3 mục tiêu sản xuất đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2030, trong chuỗi giá trị giảm 30% phát thải vào năm 2030, trung hòa carbon vào năm 2040 và sử dụng 100% nguyên liệu bền vững vào năm 2030.
Cùng với đó là chiến dịch "Một thế giới không rác thải" của Coca-Cola với đặt mục tiêu thu gom và tái chế mỗi chai nhựa và lon sản phẩm được bán ra đến năm 2030. Suntory Pepsico cũng hành động giảm thiểu việc sử dụng nhựa, tiết kiệm 140 tấn nhựa/năm.
Ông Việt cho biết: “Các doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành đồ uống luôn có chung một tầm nhìn cho mục tiêu phát triển bền vững, xuất phát từ việc thấu hiểu lợi ích của người tiêu dùng và những yêu cầu tuân thủ pháp lý, cam kết hội nhập, cùng cộng đồng và Chính phủ hướng tới thực hiện đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đồng thời, các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư nguồn lực cho kinh tế tuần hoàn”.
Tại hội thảo, ông Amit Lahoti - Giám đốc Thương mại Cấp cao kiêm Tổng Giám đốc khu vực châu Á, Tập đoàn Ball Beverage Packaging đưa ra con số: tại Việt Nam hơn 77% lon nhôm đang được thu gom để tái chế. Nghiên cứu của Viện TERI phối hợp với Viện Khoa học & Công nghệ Môi trường (INEST) thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội về đánh giá vòng đời (LCA) của các loại bao bì nước giải khát tại Việt Nam cho thấy, lon nhôm đạt được điểm vật liệu tuần hoàn cao nhất.
Ông Amit Lahoti đánh giá: “Nghiên cứu này có ý nghĩa đặc biệt vì nhu cầu ngày càng tăng đối với các giải pháp đóng gói hướng tới bảo vệ môi trường. Nghiên cứu cho thấy sự cần thiết phải tăng cường các hệ thống tuần hoàn, tập trung vào nội dung tái chế với mức khả thi về mặt công nghệ và tối đa hóa chu kỳ nạp lại của các chai được thiết kế để tái sử dụng”.