Tháo gỡ khó khăn từng dự án để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công “Nút thắt” đầu tư công được tháo gỡ, tạo động lực tăng trưởng kinh tế |
3 bộ, cơ quan trung ương và 22 địa phương giải ngân trên 20%
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2023, kế hoạch vốn ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết nghị là 711.684,4 tỷ đồng, trong đó đã phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 707.044,2 tỷ đồng; chưa phân bổ chi tiết là 4.640,2 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã giao toàn bộ kế hoạch vốn 707.044,2 tỷ đồng, bằng 100% số vốn Quốc hội nghị quyết.
Đến ngày 30/4, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao chi tiết là 622.612,7 tỷ đồng, đạt 88,1% kế hoạch Thủ tướng giao |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 30/4, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao chi tiết là 622.612,7 tỷ đồng, đạt 88,1% kế hoạch Thủ tướng giao, số còn lại chưa phân bổ chi tiết là 84.431,5 tỷ đồng, bằng 11,9% kế hoạch, chủ yếu dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới năm 2023 đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để giao vốn.
Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2023, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đến ngày 30/4, giải ngân vốn đầu tư công đạt 110.633,6 tỷ đồng, đạt 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, kết quả này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 với 18,48%. Tuy nhiên, về số tuyệt đối tăng gần 15.000 tỷ đồng (khoảng 16%) so với cùng kỳ năm 2022.
Có 3 bộ, cơ quan trung ương và 22 địa phương giải ngân trên 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, 3 bộ và cơ quan trung ương, bao gồm: Bộ Giao thông vận tải với 24,27%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 22,7%; Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh 33,66%. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao trong 4 tháng, gồm: Đồng Tháp 40,57%; Hải Phòng 38,28%; Bến Tre 37,8%; Tiền Giang 36,31%; Phú Thọ 33,19%...
Tuy nhiên, vẫn còn 45 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Để đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Tổ trưởng các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đã chủ họp với các bộ, cơ quan và địa phương, tập trung vào các đối tượng có tỷ lệ giải ngân thấp. Thành viên Tổ công tác đã hướng dẫn, giải đáp, làm rõ thẩm quyền với từng kiến nghị cụ thể. Tổ trưởng các Tổ công tác đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt nhằm tháo gỡ nững điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công.
"Nhờ đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã có nhiều chuyển biến tích cực, trong tháng 4/2023 đạt khoảng 37.000 tỷ đồng, gấp 1,5 lần bình quân 3 tháng đầu năm với khoảng 24.000 tỷ đồng/ tháng" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023 là gần 711,7 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 130 nghìn tỷ đồng so với 2022 |
Giải ngân đầu tư công – động lực tăng trưởng kinh tế
Các chuyên gia kinh tế nhận định, giải ngân vốn đầu tư công vẫn là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế trong các tháng còn lại của năm 2023.
Theo TS. Nguyễn Bích Lâm – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, năm 2023, Thủ tướng đặt mục tiêu phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 trên 95% kế hoạch. Trong khi đó, tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023 là gần 711,7 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 130 nghìn tỷ đồng so với 2022. Nếu khối lượng vốn này được bơm ra thị trường sẽ là động lực rất lớn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
“Theo tính toán, cứ 1% giải ngân đầu tư công năm nay cao hơn năm trước thì đóng góp vào tăng trưởng GDP 0,058%. Như vậy, nếu giải ngân được 95% kế hoạch nguồn vốn có thể thúc đẩy tăng trưởng 1,2-1,3% GDP, bù đắp lớn cho sự sụt giảm xuất khẩu do ảnh hưởng tổng cầu thế giới” – ông Nguyễn Bích Lâm cho biết.
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các bộ, ngành địa phương cần tiếp tục chủ động thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023, các công điện số 123/CĐ-TTg ngày 10/3/2023; số 238/CĐ-TTg ngày 10/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động của 5 Tổ công tác theo Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 và phân công thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương tại Quyết định 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nâng cao chất lượng báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, chỉ rõ vướng mắc cụ thể ở dự án nào, quy định nào, đề xuất hướng sửa đổi…
3 bộ và cơ quan trung ương có kết quả giải ngân vốn đầu tư công nhiều nhất trong 4 tháng đầu năm là Bộ Giao thông vận tải với 24,27%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 22,7%; Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh 33,66%. |