Ngành F&B Việt Nam và cơ hội xuất khẩu trực tuyến Xu hướng phát triển bền vững trong ngành thực phẩm và đồ uống |
Số lượng chuỗi cửa hàng F&B tại Việt Nam dự báo chiếm hơn 6% thị phần vào năm 2027
Báo cáo thị trường Kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2023 do iPOS.vn vừa công bố đưa ra nhận định, năm 2023, quy mô GDP theo giá hiện hành ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Theo dự đoán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam là một trong những quốc gia có khả năng phát triển kinh tế vượt trội trong 5 năm tới.
Giá trị thị trường ngành F&B Việt Nam năm 2024 dự kiến sẽ tăng 10,92% |
Như vậy, bất chấp suy thoái kinh tế trên thế giới, Việt Nam vẫn sẽ vẫn có cơ hội phục hồi tích cực hơn nếu các chính sách hỗ trợ được ban hành sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế.
Các động lực về đầu tư (bao gồm cả đầu tư tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ; các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn trong năm 2024, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.... Điều này có tác động vô cùng lớn đến kinh tế của Việt Nam nói chung và ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) nói riêng.
Doanh thu thị trường ngành F&B Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, hướng tới giá trị đạt hơn 655 nghìn tỷ đồng vào năm 2024. Theo số liệu của Euromonitor, giá trị thị trường ngành F&B Việt Nam năm 2024 dự kiến sẽ tăng 10,92% so với 2023. Sau khi hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ, ngành F&B sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2023 - 2027 đạt 10,25% và dự kiến sẽ đạt giá trị 872.916 nghìn tỷ đồng vào năm 2027.
Số lượng chuỗi cửa hàng F&B tại Việt Nam được dự báo chiếm hơn 6% thị phần vào năm 2027. Với dịch vụ nhà hàng ăn uống, doanh thu chuỗi cửa hàng trong giai đoạn 2023 - 2027 được dự đoán tăng nhanh hơn với CAGR 14,6%, trong khi doanh thu cửa hàng F&B độc lập tăng với CAGR 12,52%. Tuy nhiên dự báo đến năm 2027, cơ cấu vẫn sẽ không thay đổi nhiều, với cửa hàng F&B độc lập vẫn áp đảo với 93,9% thị phần.
Ông Phạm Minh Chí - General Manager Domino's Pizza - nhận định, các chuỗi F&B tại Việt Nam đang có xu hướng đầu tư thông minh hơn. Trước đây, việc mở một cửa hàng có nhiều tiêu chí khác nhau, nhưng thời điểm hiện tại, tiêu chí duy nhất là hướng tới tối ưu hoá lợi nhuận. Tuy vậy, so với các năm trước là làn sóng tăng giá sản phẩm, 2024 sẽ là năm giữ giá hoặc giảm giá thành. Điều này giúp thương hiệu giữ chân khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng trung thành.
“Theo quan điểm của tôi, mức chi tiêu của người dân sẽ không giảm trong năm 2024. Tuy vậy, số lượng cửa hàng F&B đang được mở ra lại ngày càng tăng. Vì vậy, kinh doanh F&B năm 2024 hứa hẹn còn cạnh tranh gay cấn hơn rất nhiều”, ông Phạm Minh Chí nói.
Gen Z - Thế hệ khách hàng tương lai ngành F&B
Hiện nay, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam chiếm khoảng 13% dân số cả nước. Theo World Data Lab, Việt Nam sẽ có thêm 4 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu trong năm 2024 và 23,2 triệu người năm 2030. Phần lớn tầng lớp này sẽ tập trung ở khu vực thành thị, giúp các công ty trong ngành F&B dễ dàng nhắm đến các thị trường mục tiêu.
Như vậy, sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu trong tương lai sẽ kèm theo nhu cầu tiêu thụ đa dạng các sản phẩm và dịch vụ, và đây là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong ngành F&B Việt Nam
Đáng chú ý, trong những năm gần đây, thế hệ gen Z đang dần trở thành nhóm khách hàng chiếm lĩnh thị trường. Thêm vào đó, nhóm khách hàng gen Z không chỉ “chịu chơi” mà còn “chịu chi”. Với sự tò mò và khao khát cho những trải nghiệm mới, khách hàng gen Z luôn tìm kiếm sự mới lạ, có tính sáng tạo cao và sẵn sàng chi tiền để có được những trải nghiệm này. Tuy vậy, thế hệ này được nhận định là thiếu tính trung thành với sản phẩm và thương hiệu. Chính vì thế, việc nắm bắt xu hướng tiêu dùng, và giữ chân khách hàng gen Z đang là mục tiêu của rất nhiều nhãn hàng F&B hiện nay.
Cùng với đó, ngành du lịch đang gián tiếp đẩy mạnh doanh thu dịch vụ ẩm thực tại Việt Nam, với tỉ lệ tăng trưởng ấn tượng trong năm 2023. Năm 2023, ngành du lịch của Việt Nam đã chứng kiến một mức tăng trưởng vô cùng ấn tượng, thậm chí vượt xa thời điểm trước đại dịch Covid 19. Du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ, từ 40.000 nghìn lượt người vào năm 2021 lên 101.300 nghìn lượt người vào năm 2022 và đạt con số cao nhất là 108.200 nghìn lượt người vào năm 2023, vượt xa con số 85.000 nghìn lượt người năm 2019 - khi chưa xảy ra đại dịch.
Theo Tổng cục Du lịch, Việt Nam ghi nhận 12.602 nghìn lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2023, cao gấp 3,4 lần so với năm 2022. Trong 6 tháng cuối năm 2023, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam luôn vượt quá 1 triệu lượt người/ tháng, cho thấy triển vọng tích cực của ngành du lịch trong tương lai gần. Top 10 thị trường quốc tế có số lượng khách đến Việt Nam nhiều nhất năm 2023 gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Australia và Ấn Độ.
Ông Nguyễn Thái Bình - Chuyên gia vận hành F&B – cho biết, chúng tôi đang nhìn thấy rất rõ sự trở lại mạnh mẽ của khách du lịch quốc tế. Năm 2023 chứng kiến 3 nhóm khách du lịch lớn nhất là Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ. Nhóm khách này đang mạnh tay chi tiêu cho các dịch vụ ẩm thực tại Việt Nam. Khách du lịch là những người khá kỹ tính, họ dành nhiều thời gian để xem thông tin trên các nền tảng ẩm thực lớn quốc tế, như Tripadvisors, Michelin Guide,... hay thậm chí là sử dụng cả Google maps để xem đánh giá từ cộng đồng, trước khi quyết định trải nghiệm.
Theo ông Vũ Trường Giang - CEO Ka Coffee, 20% khách hàng thân thiết (có mức chi tiêu từ 3 lần trở lên) đang tạo ra 80% doanh thu của thương hiệu này. Xây dựng thương hiệu F&B đi cùng với nhóm khách hàng trung thành sẽ giúp thương hiệu F&B phát triển bền vững hơn.
Đây cũng hứa hẹn là xu thế trong năm 2024 cho các doanh nghiệp F&B trong việc phân bổ chi phí marketing và chiết khấu, giúp giữ chân và thúc đẩy lòng trung thành với thương hiệu, từ đó khách hàng có thể quay lại mua hàng nhiều lần.
Các thương hiệu F&B hoàn toàn có thể thiết kế riêng các đặc quyền thành viên thân thiết. Ngoài việc giữ chân thực khách, thương hiệu hoàn toàn chủ động được tần suất sử dụng, chi tiêu trung bình, hay feedback của khách hàng để tối ưu kinh doanh và dịch vụ.