Sau 9 năm lao dốc, giá hồ tiêu lập đỉnh mới, dự báo nào cho thời gian tới? Giá tiêu hôm nay 10/6/2024: Tăng dựng đứng neo cao ở mốc 168.000 đồng/kg |
Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) xung quanh vấn đề này.
Thưa bà, tuần vừa qua, giá tiêu ghi nhận sự bức tốc khi chỉ trong vòng 10 ngày đã ghi nhận mức tăng hơn 20%, bà nhận định như thế nào về diễn biến này?
Giá tiêu vượt mức 160.000 đồng/kg, xu hướng giá tăng diễn ra tại tất cả các thị trường chứ không chỉ riêng Việt Nam. Việc này do thiếu nguồn cung. Tất cả các thị trường đều tăng chứ không chỉ riêng Việt Nam. Như tại Brazil, thông thường, thị trường này giá thấp hơn Việt Nam thì nay còn cao hơn cả Việt Nam. Giá tiêu thế giới mới nhất được cập nhật từ Hiệp hội hồ tiêu Quốc tế ngày 9/6 cho hay, giá hồ tiêu Brazil đang ở mức 195.989 đồng/kg (giá hồ tiêu Việt Nam ở mức 162.000 đồng/kg).
Giá tiêu được nhận định rất khó dự báo thời điểm này |
Mặc dù giá hồ tiêu Brazil cao hơn Việt Nam, doanh nghiệp Việt vẫn phải nhập khẩu nhưng không còn nhập ồ ạt như thời gian trước. Nguyên nhân do giá quá cao khiến biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp bị thu hẹp do phải cộng với chi phí giá tàu và nhiều chi phí khác. Trong khi đó, hiện, các công ty dịch vụ logistics lại báo giá cước tăng liên tục khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu càng khó khăn.
Thị trường hồ tiêu trong nước tăng đều, mỗi ngày tăng một vài nghìn đồng/kg. Hồ tiêu trong dân vẫn còn nhưng họ không bán ra ồ ạt mà bán nhỏ giọt để nghe ngóng giá. Có thể thấy, giá tiêu tăng hơi nóng một chút. Thời điểm cuối tháng 5/2024, giá hồ tiêu vào khoảng 140.000 đồng/kg. Nhưng chỉ trong 10 ngày đầu tháng 6/2024, giá hồ tiêu tăng hơn 20.000 đồng/kg, có nơi lên 168.000 đồng/kg. Dự báo, giá hồ tiêu trong một thời gian ngắn nữa sẽ hạ nhiệt đôi chút nhưng khó có thể trở về mức giá như cũ.
Một số ý kiến cho rằng, giá hồ tiêu tăng trong thời gian vừa qua là do đầu cơ, bà bình luận gì về việc này?
Việc này có thể là có, thị trường lúc nào cũng tiềm ẩn yếu tố này, nhưng để xác nhận rằng chắc chắn thị trường có hiện tượng đầu cơ thì chúng tôi không tìm thấy. Bởi lý do đầu cơ thì doanh nghiệp phải mua được nhiều, nhưng thời điểm này, không đơn vị nào mua hàng nghìn tấn được. Nếu có đầu cơ thì có thể họ đã mua từ trước đó khá lâu, mỗi ngày họ mua vào 50 – 100 tấn.
Trung Quốc cũng mới tham gia lại thị trường, bản thân thị trường này cũng chưa mua nhiều. Rất có thể chính những người dân cũng tham gia đầu cơ. Tuy nhiên, chúng ta nói đầu cơ ở đây một cách lành mạnh. Cụ thể, họ có tiền thu nhập từ bán sầu riêng và cà phê, thay vì gửi tiền vào ngân hàng lãi suất rất thấp, với biên độ lợi nhuận như vậy, họ đi bán sầu riêng và cà phê và thu mua vài tấn hồ tiêu để tích trữ như doanh nghiệp.
Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) |
Trước đây, người dân không thu mua hồ tiêu nhưng nay họ cũng ra kênh mua. Mọi người cứ ai có tiền đều có thể tham gia thị trường và việc tham gia của người dân cũng không loại trừ.
Giá hồ tiêu chỉ trong tháng 5 đã tăng hơn 20%. Đầu cơ trong dân chúng ta cũng cần phải nhìn nhận theo hướng tích cực. Bởi hiện nay giá vốn rất rẻ, ngân hàng không có các dự án tốt để cho vay.
Có nhận định cho rằng, giá hồ tiêu có thể vượt đỉnh lịch sử 230.000 đồng/kg (năm 2015), thậm chí có thể lên tới 300.000 – 400.000 đồng/kg, bà đánh giá như thế nào?
Dự báo giá tiêu khá khó, tôi cũng chưa biết giá sẽ lên đến đâu, nhưng tôi không nghĩ giá sẽ lên cao như vậy. Giá hồ tiêu theo chu kỳ thương mại của cây, chu kỳ tăng chỉ một vài năm. Giá hồ tiêu tăng cao, bà con sẽ trồng thêm hồ tiêu hoặc bổ sung thêm nguồn hàng bằng hình thức nào đó. Điều này sẽ kéo giá hồ tiêu hạ nhiệt. Chu kỳ tăng giá nóng chỉ khoảng 2-3 năm.
Giá hồ tiêu tăng cao, doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn kép khi vừa không mua được hàng lại còn phải đối diện với rủi ro thương mại?
Đúng như vậy. Nhiều dự báo giá sẽ tăng, do đó, người dân bán dè chừng, nhỏ giọt để đợi mức giá cao hơn. Giá hồ tiêu biến động theo giờ, ví dụ, chiều người dân báo giá 148.000 đồng/kg, nhưng đến tối đã báo 152.000 đồng/kg, đến trưa hôm sau lại lên 154.000 đồng/kg;…
Giá tiêu “nhảy múa” như vậy khiến doanh nghiệp thu mua rất khó. Và quan trọng nhất lượng hàng bán ra thị trường không dồi dào, hộ nông dân này không bán thì doanh nghiệp đi mua ở hộ nông dân khác là hơi khó, bởi không phải nhà nào cũng có hồ tiêu để bán.
Giá hồ tiêu lên, người dân trồng hồ tiêu là vui nhất. Việc này bù đắp cho thời gian giá hồ tiêu xuống thấp, chỉ khoảng 35.000 đồng/kg – thời điểm thị trường bão hòa. Giá hồ tiêu cao thì chia vui với người dân. Nhưng với doanh nghiệp thì khó buôn, khó bán. Vì hợp đồng khi chốt với khách ví dụ là 150.000 đồng/kg, nhưng khi quay lại thu mua của người dân thì 150.000 đồng/kg cũng không mua nổi. Trong khi đó, doanh nghiệp còn phải chịu chi phí hao hụt, chế biến, lãi suất ngân hàng,…
Với giá xuất khẩu hồ tiêu như hiện nay, ngành hồ tiêu cầm chắc tỷ USD trong tay. Lượng hàng xuất khẩu ít đi, giá xuất khẩu cao thì tốt cho dân nhưng với doanh nghiệp mức lợi nhuận thu được chưa chắc đã ngang bằng với tỷ lệ mức giá tăng xuất khẩu, bởi doanh nghiệp có những hợp đồng ký từ trước và đến nay họ mới giao hàng. Hoặc doanh nghiệp ký năm ngoái năm nay mới giao hết hoặc ký đầu năm nhưng cuối năm mới giao hàng. Doanh nghiệp cũng không thể lường hết được mức giá lên nhanh như vậy, doanh nghiệp một phần hàng là tự chủ, một phần phải mua ngoài. Ví dụ, thời điểm ký tháng 2/2024 giá chỉ 90.000 đồng/kg nhưng nay đã lên gần 170.000 đồng/kg.
Trong bối cảnh giá tăng nóng, doanh nghiệp khó chủ động nguồn hàng. Tâm lý của dân, nhìn thấy giá cao thì rất mừng nhưng vẫn muốn có mức độ tăng giá thêm. Đây cũng là sự hưởng lợi xứng đáng cho bà con khi có thời điểm rơi vào chu kỳ giá thấp. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp cũng rất vất vả, chiến tranh, giá tàu, rủi ro thương mại,… Do đó, việc hài hòa chia sẻ lợi ích lúc này, để tất cả các bên cùng thắng.
Một ngày một giá, doanh nghiệp không mua được hàng và cũng rất khó xuất khẩu. Trong khi đó, mới đây, một số doanh nghiệp thành viên Hiệp hội còn phản ánh tình bị mất một phần khối lượng hàng hóa xuất khẩu.
Cụ thể, có 5 doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp lớn và nhỏ phản ánh lại với Hiệp hội về việc mỗi container hàng của họ bị rút ruột từ 1 - 2 tấn tiêu. Qua kết quả điều tra nội bộ của các doanh nghiệp, họ nghi ngờ khả năng hàng bị mất trong thời gian container được hạ bãi chờ xuất tàu. Nhà nhập khẩu phát hiện hàng hóa bị thiếu hụt so với số lượng ký hợp đồng thực tế, trong khi khối lượng container bao gồm hàng hóa bên trong được cân tại cảng theo phiếu cân tại cảng đều thể hiện hàng hóa đủ khối lượng tại thời điểm hạ tại cảng.
Việc thiếu hụt hàng hóa này làm giảm lòng tin của các đối tác quốc tế và khách hàng vào hệ thống logistcis và vận tải biển của Việt Nam cũng như uy tín của các doanh nghiệp xuất khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều chi phí hơn để tăng cường an ninh, bảo hiểm hàng hóa và xử lý các vụ mất hàng.
Dự báo giá tiêu thời điểm này rất khó. Trong bối cảnh khó khăn kép đang bủa vây doanh nghiệp như hiện nay, chúng tôi cũng chỉ khuyến nghị doanh nghiệp cần cẩn trọng trong hoạt động giao thương.
Xin cám ơn bà!
Năm 2015, giá tiêu đạt mức đỉnh điểm 230.000 đồng/kg, tương đương 230 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, vàng có giá chỉ khoảng 35 triệu đồng/lượng. Người dân bán 1 tấn tiêu có thể mua được tới 6,5 lượng vàng. Hiện tại, giá tiêu đang tăng mạnh và 1 tấn hạt tiêu cũng tương đương hơn 2 lượng vàng. Giá tiêu được nhận định rất khó dự báo thời điểm này. |