Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)), sản lượng rau quả các loại trong 8 tháng năm 2021 đạt 12.511,0 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến sản lượng rau quả các loại trong quý III/2021 đạt 4.522,1 nghìn tấn.
Giá thanh long đã bắt đầu nhích lên, trên mức 10.000 đồng/kg |
Nhu cầu tiêu thụ rau các loại tại thị trường trong nước trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 1.055,1 nghìn tấn và tiêu thụ quả các loại đạt 682.7 nghìn tấn. Dự kiến nhu cầu tiêu thụ rau các loại trong 6 tháng cuối năm đạt 935,6 nghìn tấn.
Trong đó, theo ước tính, tiêu thụ rau sau khi giảm xuống 398,1 nghìn tấn trong quý III/2021, sẽ tăng lên 537,5 nghìn tấn trong quý IV/2021.
Dịch Covid-19 có tác động mạnh đến giá nhiều loại rau củ. Tại Lâm Đồng, giá bình quân một số loại rau tháng 8/2021 giảm so với tháng 7/2021 như sau: bắp cải 3.200 đồng/kg (giảm 1.000 đồng/kg); ớt chuông 11.000 đồng/kg (giảm 1.000 đồng/kg); xà lách 3.100 đồng/kg (giảm 2.000 đồng/kg).
Tuy nhiên, hiện giá rau củ đã tăng trở lại. Tại Lâm Đồng, giá xà lách, lô lô từ 10.000 đồng tăng lên 28.000 - 30.000 đồng/kg; bó xôi từ 8.000 đồng tăng lên 18.000 đồng/kg; giá bắp cải, cải thảo từ 3.500 - 4.000 đồng nay tăng lên 6.000 – 7.000 đồng; cà rốt, khoai tây vẫn giữ giá 16.000-17.000 đồng/kg.
Tương tự, giá một số chủng loại trái cây tăng trở lại. Cụ thể, tháng 8/2021, giá xoài tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tăng trở lại. Cụ thể, giá xoài cát chu bình quân tháng 8/2021 tại An Giang ở mức 10.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với tháng trước; tại Vĩnh Long là 18.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg; tại Tiền Giang là 21.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg. Giá xoài tăng là do sản lượng giảm, trong khi nhu cầu gia tăng đặc biệt là vào thời điểm Tết Vu Lan vừa qua, mặc dù nhu cầu không cao như mọi năm.
Tháng 8/2021, giá chuối trung bình ở mức 7.000 đồng/kg đối với chuối xanh và 8.700 đồng/kg đối với chuối xiêm, tăng lần lượt là 1.700 đồng/kg và 2.700 đồng/kg so với tháng trước đó. Tháng 8/2021 là thời điểm bắt đầu thu hoạch của nhãn, nguồn cung tăng trong khi nhu cầu không cải thiện do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển và lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, giá nhãn hiện nay ở mức bình quân là 15.000 đồng/kg đối với nhãn ở Hưng Yên và 14.000 đồng/kg đối với tỉnh Tiền Giang.
Tháng 8/2021, giá thanh long tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã tăng nhẹ. Tại Tiền Giang, mức giá bình quân của tháng đạt 20.000 đồng/kg đối với thanh long đỏ và 15.000 đồng/kg đối với thanh long trắng, tăng so với mức 17.000 đồng/kg và 13.000 đồng/kg của tháng 7/2021. Nhờ sự nỗ lực trong hoạt động xúc tiến thương mại tại nhiều tỉnh thành khiến nhu cầu tăng.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An - cho biết: Những ngày qua, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thương lái đi thu mua, nông dân thu hoạch nông sản. Giá thanh long đã bắt đầu nhích lên, trên mức 10.000 đồng/kg. Hi vọng thời gian tới, tình hình sẽ dần khả quan hơn.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Trịnh, hiện thanh long cũng đang vào thời điểm cuối vụ nên sản lượng rất hạn chế. Tuần này, dự kiến thu được khoảng 1.000 tấn, tuần sau thu khoảng 10.000 tấn nữa là hết vụ. Hiện người dân Long An cũng đang triển khai xông đèn cho thanh long vào vụ mới.
Ở thời điểm này, thương lái đến tận vườn thu mua trái mít của nông dân với giá (loại tốt) từ 32.000 - 35.000 đồng/kg. Tuần trước, giá mít tăng đến hơn 40.000 đồng/kg. Với mức giá này, mít được đánh giá là loại trái cây cho thu nhập cao nhất trong 11 loại trái cây đặc sản chủ lực tại tỉnh Tiền Giang. Giá mít tăng do vào thời điểm này cuối vụ, sản lượng thấp; trong khi đó nhiều doanh nghiệp hoạt động “3 tại chỗ” cần nguồn nguyên liệu mít phục vụ chế biến xuất khẩu.
Hiện vấn đề đi lại cũng dễ hơn trước. Thị trường tiêu thụ cũng ấm dần lên khi các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh hoạt động trở lại. Hiện đã có xe ở TP. Hồ Chí Minh xuống địa bàn thu mua. Nhiều địa phương cũng đã sẵn sàng chuẩn bị kế hoạch, phương án khôi phục sản xuất sau ngày giãn cách xã hội.
Dù giá một số chủng loại rau quả, trái cây đã nhích dần. Tuy nhiên, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, quý III/2021, giá rau quả, trái cây trong nước vẫn bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ ở mức thấp. Theo dự kiến của Bộ NN&PTNT, nhu cầu tiêu thụ trái cây của cả nước quý III/2021 đạt 257.618 tấn, nhu cầu tiêu thụ quý IV/2021 dự kiến tăng lên 347.785 tấn.
Tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra sáng ngày 13/9, khẳng định vai trò của địa phương là quyết định, ông Lê Văn Thành - Phó Thủ tướng Chính phủ - yêu cầu các địa phương phải bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không ban hành thêm các quy trình, thủ tục, giấy phép, gây khó khăn, cản trở lưu thông nhưng phải bảo đảm không để dịch bệnh lây lan qua hệ thống lưu thông hàng hóa. Đồng thời yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với người dân, doanh nghiệp trong xây dựng kế hoạch tổng thể về tái sản xuất nông nghiệp. Trong đó, lưu ý không để xảy ra nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm vào dịp Tết Nguyên đán.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT đôn đốc các địa phương triển khai kế hoạch nuôi trồng theo đúng tiến độ đã đưa ra từ đầu năm. Bên cạnh đó xây dựng phương án và chỉ đạo điều chỉnh linh hoạt cơ cấu mùa vụ, loại nông sản nuôi trồng để điều tiết nguồn cung, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thực sự để nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế trong điều kiện khó khăn.