Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong 5 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong tỉnh Gia Lai đã quan tâm, chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật cho công tác tuyên truyền.
Đến nay, 17 huyện, thị xã, thành phố đều có cơ sở truyền thanh - truyền hình với 724 cụm loa (703 cụm loa công nghệ FM và 21 cụm loa ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông); 186 đài truyền thanh cấp xã, trong đó có 162 đài truyền thanh công nghệ FM với 1.797 cụm loa và 24 đài ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông với 242 cụm loa; 17 trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao cấp huyện; 140 trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã; 1.524 nhà văn hóa - khu thể thao ở thôn, làng, tổ dân phố; 17 thư viện. Ngoài ra, 100% xã, phường, thị trấn đều có Trang thông tin điện tử và thành lập ban biên tập thực hiện việc đưa tin, bài về hoạt động của địa phương.
Đội ngũ làm công tác thông tin, tuyên truyền miệng được xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động từ tỉnh đến cơ sở, góp phần quan trọng đưa thông tin chính thống đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 5 báo cáo viên cấp trung ương, 43 báo cáo viên cấp tỉnh, 443 báo cáo viên cấp huyện và tương đương, 3.611 tuyên truyền viên cơ sở. Mặt khác, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại để tổ chức công tác thông tin cơ sở. Hiện nay, hệ thống hội nghị trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở đã được kết nối thông suốt; 100% trụ sở UBND cấp xã đều có bảng tin công cộng niêm yết, cung cấp thông tin thiết yếu cho người dân và thành lập, duy trì trang thông tin điện tử.
Hệ thống loa truyền thanh tại các xã của Gia Lai |
2 năm qua, nhờ tiếp cận thông tin về các mô hình làm kinh tế hiệu quả trên sách báo và ứng dụng vào thực tế, cuộc sống của 19 gia đình thành viên trong Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi làng Biăh của Hội Nông dân xã A Dơk (huyện Đak Đoa) ngày một ổn định. Sau khi thành lập, Tổ hội đã đề ra nội quy sinh hoạt vào ngày 15 hàng tháng, các thành viên cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi phù hợp, hiệu quả để cùng phát triển kinh tế. Các thành viên còn đóng góp xây dựng quỹ để giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Anh Veih - Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp làng Biăh cho biết: “Trong các buổi sinh hoạt, qua các kênh thông tin, thành viên nắm bắt mô hình hay thường đưa ra để tất cả cùng thảo luận, học hỏi. Sau đó, lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện của địa phương để cùng bàn bạc áp dụng vào thực tiễn sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo”.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai đã triển khai thực hiện hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn tiếp cận thông tin, sử dụng dịch vụ viễn thông. Cùng với đó, tăng cường cung cấp thông tin về kiến thức, kỹ năng, mô hình, kinh nghiệm lao động sản xuất cho người dân sinh sống trên địa bàn các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tại các xã đặc biệt khó khăn, tỉnh đã đầu tư điểm cung cấp thông tin công cộng phục vụ để hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ thông tin thiết yếu bắt nhịp với nhu cầu cuộc sống hiện nay.
Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương khảo sát về công tác tuyên truyền giảm nghèo về thông tin tại tỉnh Gia Lai |
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cho biết: Từ đầu năm đến nay, 15 huyện, thị xã, thành phố được đầu tư với tổng số tiền trên 2,7 tỷ đồng. Các xã được tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động đài truyền thanh xã và sản xuất mới các tác phẩm báo chí, các sản phẩm truyền thông khác. Qua đó, đã kịp thời hỗ trợ thông tin đến từng hộ gia đình qua đài truyền thanh của xã, kết nối đến các thôn, bản.
Có thể nói, những cách làm cụ thể trong công tác tuyên truyền đã giúp người dân hiểu được tầm quan trọng của việc thoát nghèo. Nhiều hộ đã tự nguyện nộp đơn xin được thoát nghèo, mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế, chuyển đổi giống cây trồng mới, vật nuôi gắn với thị trường tiêu thụ nông sản, tự lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Bên cạnh đó, các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan cũng được xóa bỏ, người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường... điều này đã góp phần thúc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Tỉnh Gia Lai đề ra mục tiêu năm 2023 giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% (phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 8,1%); tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm trên 3%. Để đạt được mục tiêu đó, Gia Lai sẽ tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bễn vững, đảm báo mức thu nhập tối thiểu tăng dần.
Chiều 7/9, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương đã có buổi khảo sát về công tác tuyên truyền giảm nghèo về thông tin tại tỉnh Gia Lai. Theo Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Gia Lai, thời gian qua, việc triển khai các hoạt động giảm nghèo về thông tin trên địa bàn tỉnh Gia Lai nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Công tác hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo sử dụng dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin, giảm nghèo về thông tin; việc nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở; tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động thông tin… được chú trọng. Công tác tuyên truyền đã được triển khai kịp thời, đồng bộ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Gia Lai chú trọng tuyên truyền, phổ biến đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân về các nội dung triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (giảm nghèo thông tin) với nhiều hình thức phong phú… Các cơ quan báo chí Trung ương, ngành, địa phương và hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hình thức thông tin tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chính sách, pháp luật về công tác giảm nghèo và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Việc xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, lực lượng tuyên truyền nòng cốt cơ sở được cấp ủy các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, củng cố, kiện toàn… Sau khi lắng nghe các ý kiến tại buổi khảo sát, bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao sự sáng tạo, hướng mạnh về cơ sở của tỉnh Gia Lai trong công tác tuyên truyền giảm nghèo về thông tin, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền lưu ý thời gian tới trong công tác tuyên truyền cần chú trọng thay đổi nhận thức người dân bằng cách khơi dậy tinh thần tự lực tự cường, vươn lên xóa đói giảm nghèo; kết hợp linh hoạt các phương thức tuyên truyền truyền thống và hiện đại. Mặt khác, kịp thời cung cấp những thông tin chính thống, bổ ích để giúp người dân nâng cao nhận thức trong chấp hành, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả các hợp phần, dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. |