Gạo Việt tiếp tục tăng giá, kéo dài khoảng cách với Thái Lan và Pakistan Dứt đà giảm, giá gạo thế giới bật tăng 15 USD/tấn |
Gạo Việt ngược chiều tăng, trở lại mốc lịch sử
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo của các nguồn cung trên thế giới tiếp tục có điều chỉnh trong phiên giao dịch ngày 20/10. Trong đó, gạo Thái Lan tiếp tục giảm thêm 3-4 USD/tấn còn gạo Việt “ngược chiều” tăng giá thêm 5 USD/tấn.
Cụ thể, giá cả 2 loại gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam đều tăng 5 USD/tấn. Giá sau điều chỉnh lần lượt là 643 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và 628 USD/tấn với gạo 25% tấm.
Giá gạo Việt Nam hiện trở lại mốc 643 USD/tấn |
Trong khi đó gạo Thái Lan giảm 3 USD/tấn với gạo 5%, xuống còn 570 USD/tấn; gạo 25% tấm giảm 4 USD/tấn, xuống mức 524 USD/tấn. Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 19/10 gạo Thái Lan đã điều chỉnh giảm 5 USD/tấn với cả 2 chủng gạo trên.
Riêng gạo Pakistan vẫn giữ giá 563 USD/tấn với gạo 5% tấm và 483 USD/tấn với gạo 25% tấm.
Như vậy sau những biến động từ đầu tháng 10 tới nay giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đã trở lại cột mốc lịch sử hồi cuối tháng 8/2023 và tiếp tục giữ ngôi đầu thế giới khi bỏ xa gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan 73 USD/tấn, Pakistan 80 USD/tấn. Riêng gạo 25% tấm của Việt Nam hiện cách xa đối thủ Thái Lan 104 USD/tấn và hơn Pakistan 145 USD/tấn.
Giá thế giới sẽ còn ở mức cao, người bán nắm quyền chủ động
Việc giá gạo Việt tăng được các chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành lý giải do nhu cầu thị trường thế giới tăng, trong khi gạo Thái Lan giảm do đồng tiền của nước này đang bị mất giá so với USD.
Bên cạnh đó là yếu tố lãi suất của Thái Lan cũng thấp hơn phân nửa so với USD. Thị trường tài chính bất lợi kéo giá cả hàng hóa đi xuống. Chính vì vậy đã tạo ra sự ngược chiều của giá gạo Việt Nam và Thái Lan; trong khi nhu cầu sản phẩm gạo trên toàn cầu vẫn tăng.
Theo đó các nước nhập khẩu chính như Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Trung Đông và các nước châu Phi hiện có nhu cầu rất lớn. Chẳng hạn Philippines đang tích cực tăng lượng gạo nhập khẩu, chuẩn bị gạo dự trữ để đối phó El Nino và lạm phát đang ở mức cao. Trung bình mỗi năm nước này nhập khẩu trên 3 triệu tấn gạo.
Hay như Indonesia đầu năm nay có kế hoạch nhập khẩu 2 triệu tấn gạo, tuy nhiên gần đây đặt mục tiêu nhập khẩu lên tới 2,4 - 2,5 triệu tấn.
Một thị trường khác là Trung Đông đã tạm ngưng giao dịch từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng nhưng kho dự trữ của các nước khu vực này đang cạn dần và sẽ quay lại thị trường trong khoảng tháng 10/2023…
Một yếu tố khác khiến giá gạo Việt ở mức cao như hiện nay được ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty Phước Thành IV - cho rằng, việc các nước điều chỉnh giảm do đang vào mùa vụ thu hoạch trong khi họ có tồn kho lớn, từ đó giảm giá mạnh để cạnh tranh. Còn với Việt Nam do nguồn cung không còn nhiều, đồng thời mức giá ở nội địa cũng liên tục điều chỉnh tăng trong những ngày gần đây nên doanh nghiệp phải chào giá cao hơn.
Về giá gạo sắp tới, các doanh nghiệp dự báo, hiện tình hình kinh tế, chính trị vẫn còn diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu vẫn đang diễn ra ngày càng trầm trọng trên toàn cầu nên việc thiếu hụt lương thực, thực phẩm ở nhiều quốc gia rất lớn. Từ đó, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An dự báo những tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024 giá gạo vẫn đứng ở giá cao. Đối với mặt hàng tiêu chuẩn gạo 5% tấm có giá từ 640 - 660 USD/tấn do nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia không có điều kiện sản xuất lúa gạo.
Mặc dù giá gạo đang cao song Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng các doanh nghiệp vẫn nên thận trọng khi ký kết hợp đồng. Bởi hiện quyền chủ động trong tay người bán và doanh nghiệp nên chuẩn bị trước chân hàng mới ký kết để tránh rủi ro.
Giá gạo xuất khẩu ở mức cao tác động tích cực lên thị trường lúa gạo nội địa. Theo đó, trong tuần này giá lúa gạo nội địa đã liên tục điều chỉnh tăng. Trong đó các giống lúa được điều chỉnh tăng từ 300-500 đồng/kg; gạo nguyên liệu và thành phẩm cũng tăng khoảng 1.000 đồng/kg. |