Sau khi “bốc hơi” 50 USD trong vòng 1 tuần, giá gạo thế giới có giảm thêm? Gạo Việt tiếp tục tăng giá, kéo dài khoảng cách với Thái Lan và Pakistan |
Theo số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo của các nguồn cung trên thế giới đã có sự điều chỉnh tăng từ 3-15 USD/tấn trong tuần này. Như vậy, sau 2 tuần kém sôi động với mức điều chỉnh giảm sâu thì giá gạo thế giới đã tăng trở lại.
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 13/10, giá gạo Việt Nam điều chỉnh tăng 5 USD/tấn với cả 2 loại 5% và 25% tấm. Giá sau điều chỉnh lần lượt là 623 USD/tấn và 533 USD/tấn.
Giá gạo Việt xuất khẩu hiện đứng số 1 thế giới |
Nguồn cung khác là Thái Lan cũng điều chỉnh tăng nhẹ 3 USD/tấn với gạo 100% tấm và giá hiện ở mức 459 USD/tấn.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 12/10, gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng 3 USD/tấn lên mức 581 USD/tấn, gạo 25% tấm cũng tăng từ 530 USD/tấn lên mức 533 USD/tấn.
Tương tự, gạo Parkistan cũng đồng loạt tăng 15 USD/tấn lên mức 563 USD/tấn với gạo 5% tấm và 483 USD/tấn với gạo 25% tấm.
Theo các thương nhân xuất khẩu, thời gian gần đây, giá gạo xuất khẩu có xu hướng chững lại sau động thái của một số nước nhập khẩu nhằm kiềm chế lạm phát, tập trung vào chính sách phát triển sản xuất trong nước để tăng cường dự trữ, tồn kho và tìm kiếm loại lương thực khác thay thế.
Tuy nhiên sau thông tin Indonesia có nhu cầu nhập thêm 2 triệu tấn, Malaysia nhập thêm 1,5 triệu tấn đã tác động tích cực lên thị trường gạo toàn cầu. Điều này khiến giá gạo được điều chỉnh tăng trong tuần này. Dù vậy, theo nhận định của VFA, giá gạo sẽ khó đạt đỉnh như hồi tháng 8 vừa qua, mà chỉ dao động quanh mốc 630 - 650 USD/tấn.
Đối với Việt Nam, hiện giá gạo của nước ta vẫn tiếp tục giữ vững ngôi đầu thế giới, bỏ xa các đối thủ là Thái Lan và Pakistan. Việc giá xuất khẩu liên tục duy trì ở mức cao đã góp phần kéo giá gạo nội địa tăng.
Ghi nhận tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa hiện được giao dịch ổn định ở mức cao. Cụ thể, lúa IR 504 dao động quanh mốc 7.900 - 8.100 đồng/kg; lúa OM 5451 dao động 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 7.900 - 8.100 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giá 8.200 - 8.300 đồng/kg; Đài thơm 8 tươi 7.800 - 8.100 đồng/kg; Nàng Nhen (khô) 15.000 đồng/kg; lúa Nhật ổn định 7.800 - 8.000 đồng/kg…
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9/2023, nước ta xuất khẩu gần 6,42 triệu tấn gạo, giá trị đạt 3,54 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo tăng 19,5% về lượng và tăng 35,9% về giá trị.
Về thị trường xuất khẩu, Philippines vẫn là khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam. Trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 1,29 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch đạt 495,8 triệu USD, tăng mạnh 55,2%.
Xếp thứ 3 là Indonesia khi giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 462,6 triệu USD, tăng 1.796% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ và Chile có mức tăng đột biến, lần lượt là 10.608% và 2.291%.