Nguyên nhân giá gạo Thái Lan tăng, gạo Việt đứng yên Ấn Độ dự kiến duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo đến năm 2024, đẩy giá gạo toàn cầu tăng cao |
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong phiên giao dịch ngày 21/11, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đã điều chỉnh tăng 10 USD, lên mức 663 USD/tấn. Như vậy, sau nửa tháng “đứng yên”, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã bất ngờ điều chỉnh tăng mạnh.
Giá gạo Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức cao |
Ngoài gạo của Việt Nam, giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng đã tăng 7 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 20/11, lên mức 585 USD/tấn. Trước đó, trong tuần từ 13-17/11, gạo của nước này đã điều chỉnh tăng 13 USD/tấn. Như vậy chỉ trong vòng 10 ngày, gạo Thái Lan đã tăng khoảng 20 USD/tấn.
Một nguồn cung khác là Pakistan cũng điều chỉnh tăng mạnh 10 USD/tấn sau nhiều phiên liên tiếp đi ngang. Sau điều chỉnh, giá gạo 5% tấm của nước này hiện ở mức 578 USD/tấn.
Với mức điều chỉnh trên, giá gạo Thái Lan hiện tại đang cao hơn sản phẩm cùng phẩm cấp của Pakistan 7 USD nhưng vẫn thấp hơn gạo Việt Nam 78 USD.
Giải thích nguyên nhân giá gạo tăng, VFA cho biết do các quốc gia như Philippines, Indonesia có nhu cầu nhập khẩu lớn, trong khi đó quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới là Ấn Độ vẫn kéo dài lệnh hạn chế xuất khẩu gạo trắng đến năm 2024. Đây là cơ hội cho các quốc gia xuất khẩu gạo.
Theo các thống kê của Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7,1 triệu tấn gạo, tương ứng gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt mức cao nhất so với cùng kỳ các năm kể từ ít nhất năm 2009.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, dư địa xuất khẩu gạo của Việt Nam còn rất lớn và dự kiến trong năm 2023 Việt Nam có thể xuất khẩu đạt 8 triệu tấn gạo.
Tại thị trường nội địa, theo thống kê từ VFA, trong tuần qua giá lúa gạo đã tăng nhẹ từ 25-238 đồng/kg, tùy loại. Cụ thể, giá lúa thường tại ruộng tăng 57 đồng, lên mức 8.950 đồng/kg; lúa thường tại kho tăng 108 đồng, lên 10.700 đồng/kg; gạo xát trắng loại 1 tăng 42 đồng, lên 16.000 đồng/kg; gạo 5% tấm tăng 39 đồng, lên 15.500 đồng/kg; gạo 15% tấm tăng 25 đồng, lên 15.300 đồng/kg… VFA cho biết, thời điểm này nguồn cung trong nước đã cạn, đẩy giá tăng. Tuy nhiên do giá hiện ở mức cao nên các doanh nghiệp cũng rất thận trọng trong việc thu mua. |