Dầu thô giảm mạnh trong phiên giao dịch vừa qua, khi lo ngại về nhu cầu tiêu thụ năng lượng suy yếu tại Trung Quốc áp đảo thông tin Liên minh châu Âu EU áp đặt lệnh cấm vận lên dầu nhập khẩu của Nga.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI giảm 2,62% xuống 102,41 USD/thùng trong khi dầu Brent giảm 2,43% xuống 104,97 USD/thùng.
Theo phân tích của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, sau các giai đoạn tăng giảm mạnh kéo dài từ cuối tháng 2, khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, giá dầu WTI hiện đang bước vào xu hướng đi ngang trong khoảng rộng 100-108 USD/thùng, đặc biệt khi thị trường giằng co giữa các số liệu và dự báo cung – cầu.
Một mặt, khả năng Liên minh châu Âu EU tiến hành cấm vận lên ngành dầu khí của Nga đang là yếu tố lớn nhất hỗ trợ giá dầu duy trì trên vùng 100 USD/thùng hiện tại, đặc biệt khi nước này nhập khẩu khoảng một nửa lượng dầu Nga cung ứng trên thị trường, gần 2,4 triệu thùng/ngày. Tuy vậy, một số thành viên có sự phụ thuộc lớn vào nguồn cung dầu từ Nga, như Slovakia và Hungary, sẽ xin miễn trừ khỏi chính sách cấm vận chung của nhóm.
Cụ thể: Gần như toàn bộ dầu Slovakia nhập khẩu đến từ Nga, thông qua đường ống Druzhba. Điều này có thể khiến cho “sức nặng” của thông tin cấm vận không quá lớn, đặc biệt khi các lệnh cấm vận có thể bị đẩy lùi đến cuối năm.
Mặt khác, việc Bắc Kinh - thủ đô Trung Quốc, thắt chặt các quy định về hạn chế đi lại như phong tỏa một số tòa nhà hay đóng cửa trường học, sau khi phát hiện một loạt các ca nhiễm mới nhờ biện pháp xét nghiệm hàng loạt. Một trong các điều kiện quan trọng để thành phố có thể mở cửa trở lại là việc không phát sinh các ca mắc mới, do đó khả năng Bắc Kinh có thể sinh hoạt bình thường trở lại sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ kéo dài đến ngày 04/05 là rất thấp. Với quy mô trên 20 triệu dân và là “đầu tàu” kinh tế, việc Bắc Kinh kéo dài phong tỏa là thông tin gây áp lực lớn đến thị trường.
Tuy vậy, rạng sáng nay, giá dầu thô phần nào phục hồi, sau số liệu của Viện Dầu khí Mỹ API cho thấy tồn kho dầu thô giảm mạnh 3.5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 29/04, trong khi các sản phẩm lọc dầu khác như xăng và nhiên liệu chưng cất cũng giảm đến 4,5 triệu thùng. Điều này cho thấy ít nhất trong ngắn hạn, rất khó để giảm thiểu tác động của việc thiếu hụt sản lượng dầu, đặc biệt các ước tính hiện tại cho thấy sản lượng dầu của Nga đã giảm 1-2 triệu thùng/ngày.
Trước những thông tin đó, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam đã có những phân tích kỹ thuật và khuyến nghị: Về mặt kỹ thuật, các chỉ số RSI và MACD tiếp tục xu hướng đi ngang và không tạo ra nhiều tín hiệu rõ ràng. Giá đang nhận được hỗ trợ từ vùng 102 USD/thùng và nhiều khả năng sẽ duy trì đà phục hồi trong phiên hôm nay. Các thương nhân có thể canh mua hợp đồng dầu WTI tháng 06/2022 tại vùng 103 USD/thùng và kỳ vọng chốt lời 1-1,5 USD/thùng.