Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI tăng 3,27% lên 105,36 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 2,2% lên 107,26 USD/thùng.
Theo Bộ trưởng tài chính Nga, các lệnh cấm vận có thể khiến cho sản lượng dầu của nước này giảm khoảng 17% trong năm nay. Con số này tương ứng với sự sụt giảm nguồn cung ở mức 1.7 triệu thùng/ngày, hoặc 1.7% nguồn cung dầu trên thế giới.
Mặc dù Bộ trưởng Năng lượng Mỹ cho biết, sẽ nỗ lực để nâng sản lượng bù đắp cho sự sụt giảm từ Nga, tuy nhiên theo đánh giá của giới phân tích, trong ngắn hạn, chắc chắn thị trường vẫn sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt.
Đà tăng cũng được hỗ trợ trước các nguồn tin cho biết các thành viên OPEC+ dự định duy trì mức tăng sản lượng ở mức thấp, chỉ 432.000 thùng/ngày mỗi tháng cho đến hết tháng 9. Dù vậy, nhiều khả năng OPEC+ cũng sẽ không thể đạt được con cả con số khiêm tốn này, khi mà trong tháng 3 nhóm vẫn đang sản xuất thấp hơn 1,45 triệu thùng/ngày so với hạn mức đặt ra. Các vấn đề về bảo trì, bất ổn nội địa cũng khiến việc sản xuất dầu của các thành viên trở nên khó khăn. Đây là yếu tố chính thúc đẩy đà tăng của thị trường dầu thô trong phiên hôm qua, bất chấp Dollar Index có lúc chạm đỉnh 20 năm.
Đà tăng chỉ bị hạn chế khi giá chạm kháng cự mạnh vùng 105 USD/thùng, và các thông tin cho biết lượng khách đi lại trong dịp nghỉ lễ 01/05 tại Trung Quốc giảm đến 60% so với cùng kỳ năm trước.
Về mặt kỹ thuật, các chỉ số tương đối tích cực, với RSI hướng lên trong khi MACD có tín hiệu cắt lên trên đường Signal. Giá đang nằm sát kháng cự mạnh vùng 105 USD/thùng và do đó có thể tạo ra điều chỉnh trong phiên sáng, tạo ra điểm mua mới. Có thể canh mua hợp đồng WTI kỳ hạn tháng 06/2022 khi giá điều chỉnh về vùng 104 USD/thùng và kỳ vọng chốt lời 2 USD/thùng.