Thứ sáu 25/04/2025 10:41

Gần 154 nghìn tỷ đồng được phân bổ theo Nghị quyết số 43

Trong năm 2022-2023, gần 154 nghìn tỷ đồng đã được các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phân bổ cho các nhiệm vụ, dự án theo Nghị quyết số 43.

Chiều 12/10 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hộicho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Trình bày Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Sau hơn 1,5 năm triển khai, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã nỗ lực, quyết tâm, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao, thực hiện và hoàn thành khối lượng lớn công việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra, đã ban hành đầy đủ 17/17 văn bản theo thẩm quyền để cụ thể hóa các chính sách theo yêu cầu tại Nghị quyết.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đạt kết quả đáng ghi nhận, tính đến hết tháng 8/2023 giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt khoảng 94,7 nghìn tỷ đồng. Một số chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí có kết quả thực hiện cao, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và đã được Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện trong năm 2023.

Số vốn của Chương trình được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án trong kế hoạch vốn đầu tư nguồn Ngân sách Nhà nước các năm 2022-2023 là gần 154 nghìn tỷ đồng.

Về những tồn tại, hạn chế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết triển khai chính sách thuộc Chương trình đã được triển khai tích cực, tuy nhiên một số văn bản còn chậm so với yêu cầu đề ra. Công tác dự báo, tính toán nhu cầu hỗ trợ của một số chính sách trong quá trình xây dựng Chương trình chưa lường hết được khó khăn, vướng mắc, thách thức trong tổ chức triển khai thực hiện; trong khi tình hình thế giới, trong nước từ đầu năm 2022 đến nay thay đổi nhanh, rất phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề mới, không thể dự báo, yêu cầu thích ứng linh hoạt, có các định hướng, giải pháp ưu tiên khác nhau trong chỉ đạo, điều hành, bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn của nền kinh tế...

Trình bày báo cáo tóm tắt thẩm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế đánh giá cao những nỗ lực và sự chỉ đạo quyết liệt, tích cực, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vai trò đầu mối của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như sự tham gia vào cuộc của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành đầy đủ 17/17 văn bản theo thẩm quyền để cụ thể hóa các chính sách theo yêu cầu tại Nghị quyết số 43, tổ chức phối hợp, thực hiện và hoàn thành khối lượng lớn công việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tóm tắt thẩm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 43

Các chính sách triển khai thực hiện đã có tác động tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đóng góp quan trọng trong các kết quả kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023.

Liên quan đến chính sách tài khoá, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, kết quả thực hiện các gói hỗ trợ của chính sách tài khóa đã có tác động tích cực, góp phần tiết giảm chi phí đầu vào, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế; trong đó một số chính sách hỗ trợ có kết quả thực hiện cao như các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí đạt 94,1% kế hoạch, trong đó chính sách giảm 2% thuế suất, thuế giá trị gia tăng (VAT) đạt 90% kế hoạch và hiện đã được Quốc hội cho phép tiếp tục áp dụng trong thời gian từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 (Nghị quyết số 101/2023/QH15); chính sách cho vay thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đạt 54,55% hạn mức tối đa, trong đó chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã đạt 100% kế hoạch đề ra và hiện nay vẫn đang tiếp tục có nhu cầu lớn nhưng không có nguồn lực để bố trí.

Ông Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, việc giải ngân hết các gói hỗ trợ này theo quy định của Nghị quyết số 43 là không khả thi, quy trình thủ tục gây nhiều vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện.

Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện chậm; ngoài những nguyên nhân đã chỉ ra trong báo cáo, cần đánh giá việc bám sát thực tiễn trong công tác dự báo, tính toán nhu cầu, trình tự thủ tục hỗ trợ trước khi ban hành chính sách; bổ sung đánh giá việc triển khai các chính sách chậm tác động tới đối tượng thụ hưởng và hiệu quả tổng thể của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Toàn cảnh phiên họp

Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá toàn diện, đầy đủ tình hình thực hiện chính sách tiền tệ quy định tại Khoản 2, Điều 3, Nghị quyết số 43, phân tích cụ thể tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đánh giá hiệu quả, tác động của các chính sách tới đối tượng thụ hưởng và khả năng phục hồi doanh nghiệp và nền kinh tế cũng như bổ sung vào báo cáo số liệu giải ngân gói hỗ trợ từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để phát triển hạ tầng viễn thông, internet; gói hỗ trợ đầu tư phát triển cho lĩnh vực y tế; gói hỗ trợ đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo dạy nghề, giải quyết việc làm; bổ sung đánh giá kết quả huy động nguồn lực thực hiện các chính sách (Điều 4)...

Thu Hường
Bài viết cùng chủ đề: Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

10 ủy viên trong Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng

Sáp nhập Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình: Bài 2- Kiến tạo mô hình đa trung tâm

Thủ tướng bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương

Chủ tịch nước Lương Cường lên đường thăm cấp Nhà nước tới Lào

Chủ tịch nước Lương Cường: Việt Nam luôn coi trọng và củng cố quan hệ kinh tế với các nước

Đảng bộ Báo Công Thương: Đổi mới lãnh đạo toàn diện, hướng tới tờ báo kinh tế hàng đầu của đất nước

Phân quyền Ngân hàng Nhà nước quyết định cho vay đặc biệt

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự dịp Lễ 30/4 và 1/5

Từ 1/7: UBND cấp xã được chỉ định kế thừa thỏa thuận quốc tế

Thủ tướng nêu 3 quyết tâm, 3 sứ mệnh tạo đột phá kinh tế số

Phát hiện vi phạm về kinh tế 157.585 tỷ đồng, 245 ha đất

Sáp nhập Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình: Bài 1- Định hình không gian để chuyển mình, bứt phá

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Tạo hành lang pháp lý thuận lợi khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

Cử tri cả nước đề nghị xử lý nghiêm hành vi sản xuất thuốc giả, sữa giả

Ngoại giao đi đầu kiến tạo hòa bình, bảo vệ Tổ quốc

Trang sử bằng công nghệ, Báo Nhân Dân công bố đợt truyền thông lớn chưa từng có

Đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết 2026

Bổ sung quy định việc quyết định cơ cấu Chính phủ trong trường hợp cần thiết

Thủ tướng điểm tên loạt địa phương chậm giải phóng mặt bằng

Thủ tướng yêu cầu ổn định thị trường vàng