Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, quy định lãi suất tiền gửi và cho vay ngắn hạn ‘Làn sóng’ hạ lãi suất và giảm phí Hạ lãi suất cho vay hỗ trợ cấp thiết cho doanh nghiệp |
Số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng
Sáng 9/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức tiếp diễn từ quý IV/2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.
Theo đó, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề: Tăng trưởng GDP Quý I/2023 rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch Covid-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước, các trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước đã có mức sụt giảm hoặc tăng không đáng kể cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là vô cùng khó khăn.
Tổng cầu yếu đã ảnh hưởng trực tiếp lên tổng cung của nền kinh tế. Một số động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, sản xuất công nghiệp đều ghi nhận mức giảm. Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 4 chỉ là 2,75% thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, số liệu tiêu thụ điện 4 tháng đầu năm giảm 0,4% so với cùng kỳ cũng cho thấy các hoạt động sản xuất suy giảm.
Khó khăn kinh tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của doanh nghiệp khi tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm, số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng.
Nhiều vấn đề tồn tại từ lâu nhưng chậm được xử lý đã tạo ra những điểm nghẽn đối với nền kinh tế. Việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn rất chậm.
Tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 rất chậm so với yêu cầu, đến nay vẫn còn 93/111 quy hoạch chưa hoàn thành việc lập, phê duyệt. Giải ngân đầu tư công tuy cải thiện song vẫn chậm tạo áp lực lớn lên giải ngân, khả năng hoàn thành mục tiêu trong những quý còn lại của năm 2023.
Mặt bằng lãi suất cho vay bình quân vẫn ở mức cao và tín dụng tăng trưởng thấp, cho thấy những khó khăn trong khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế. Nợ xấu có xu hướng tăng, trong khi tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu giảm có thể gây ảnh hưởng đến an toàn hệ thống tài chính. Kênh huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn, giảm sút vai trò huy động vốn cho nền kinh tế.
Thị trường, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 rất lớn, nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu; một số vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn gây bức xúc dư luận, giảm niềm tin của nhà đầu tư.
Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, ngân hàng thương mại lãi cao, trong đó thu nhập thuần từ hoạt động tín dụng tiếp tục tăng so với năm 2021, tuy nhiên nếu tình hình kinh tế không được cải thiện thì nợ xấu sẽ tăng và năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại sẽ bị bào mòn.
Công tác bảo vệ người tiêu dùng tài chính còn nhiều vấn đề rất đáng quan tâm. Nhiều vụ việc xảy ra thời gian qua đã gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người dân đối với hệ thống tài chính, ngân hàng, thị trường bảo hiểm…
Theo ông Vũ Hồng Thanh, những khó khăn, thách thức mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt đến từ cả yếu tố bên ngoài và bên trong, có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Bên ngoài, lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ duy trì xu hướng thắt chặt; kinh tế thế giới hồi phục chậm và dẫn đến xu hướng thắt chặt chi tiêu tại một số thị trường lớn như Mỹ, EU khiến nhu cầu nhập khẩu giảm; sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới càng làm sụt giảm niềm tin của thị trường. Rủi ro an ninh năng lượng, lương thực vẫn hiện hữu. Biến đổi khí hậu cực đoan và các bệnh dịch tiếp tục là rủi ro tiềm ẩn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Ở trong nước, những tồn tại, yếu kém từ nội tại nền kinh tế ngày càng bộc lộ rõ ràng, nhất là liên quan đến thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; khả năng chống chịu, thích ứng với các tác động bên ngoài còn hạn chế. Các doanh nghiệp sức chịu đựng bị bào mòn sau tác động của dịch Covid-19 nhưng vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao.
Một số tồn tại từ lâu nhưng chậm được xử lý như: Việc xử lý ngân hàng yếu kém; việc chậm phê duyệt, quyết định các quy hoạch, giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Công tác dự báo, tham mưu còn bị động, phản ứng chính sách trong một số thời điểm chưa kịp thời, chưa lường trước và có kịch bản ứng phó với những khó khăn từ môi trường kinh tế thế giới.
Cơ cấu lại thị trường bất động sản thông qua điều tiết nguồn cung
Dự báo từ nay đến cuối năm 2023, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều thách thức, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng là rất khó khăn, đề nghị Chính phủ cần lưu ý: Kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng.
Thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn của thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Đồng thời, cơ cấu lại thị trường bất động sản thông qua điều tiết nguồn cung, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục tình trạng lệch pha cung - cầu bất động sản cao cấp và bất động sản bình dân bằng công cụ quy hoạch.
Điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ. Cần điều chuyển, sử dụng vốn linh hoạt, hạn chế phát hành trái phiếu Chính phủ khi chưa giải ngân được nguồn vốn huy động cũ. Nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân; giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% áp dụng đến hết 31/12/2023 cho tất cả hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%. Linh hoạt trong điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng và dầu trên cơ sở diễn biến của giá xăng dầu.
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác. Cần tiếp tục xem xét hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh áp lực lạm phát, tỷ giá không còn quá căng thẳng như thời điểm cuối năm 2022. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí phấn đấu giảm lãi suất cho vay; điều hành tỷ giá phù hợp; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng.
Đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; các công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia có tác động lan tỏa lớn.
Theo dõi chặt chẽ, chủ động phương án ứng phó, phòng, chống, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19 các loại bệnh truyền nhiễm, các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Đẩy mạnh phát triển, khai thác thị trường truyền thống, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết để khai thác hiệu quả các thị trường. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững đáp ứng tiêu chuẩn và quy định ngày càng khắt khe của các nước phát triển.