Pháp là thị trường truyền thống và có kim ngạch lớn của hàng hóa Việt Nam trong các nước thành viên Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa nắm bắt được những quy định, chính sách của thị trường, dẫn tới chưa tận dụng được hết các cơ hội.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2022 kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Pháp đạt mức 5,3 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 3,7 tỷ USD, tăng 15,2% và nhập khẩu từ Pháp đạt 1,6 tỷ USD, tăng 2,8%.
Cổng FTAP cung cấp những thông tin chung nhất về thị trường Pháp. Ảnh Hoàng Giang |
9 tháng năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường, nhu cầu giảm sút và tốc độ lạm phát tăng cao tại EU khiến kim ngạch thương mại hai nước chỉ đạt hơn 3,5 tỷ USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp đạt 2,4 tỷ USD và nhập khẩu từ Pháp đạt 1,1 tỷ USD.
Hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang Pháp tương đối phong phú, đa dạng, bao gồm: Giầy dép, dệt may, đồ gia dụng, hàng nông, lâm, thuỷ sản, mây tre đan... và nhập khẩu chủ yếu từ Pháp những mặt hàng có giá trị cao, hàm lượng chất xám và công nghệ lớn, trong đó có dược phẩm, máy móc thiết bị và phương tiện vận tải.
Với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được thông tin và khai thác thị trường Pháp đạt hiệu quả, Cổng thông tin về các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam (FTAP) đã cung cấp những điều cần biết cho các doanh nghiệp về thị trường Pháp.
Tại địa chỉ: https://fta.gov.vn/index.php?r=site%2Fcountry-profile&id=76, Cổng FTAP cung cấp những thông tin chung nhất về thị trường Pháp, bao gồm thông tin cơ bản về thị trường Pháp (vị trí, quy mô diện tích và dân số; các địa bàn hành chính; trung tâm đô thị lớn của Pháp…); tình hình thương mại xuất nhập khẩu song phương giữa Pháp và Việt Nam.
Bên cạnh đó, Cổng FTAP còn cung cấp những địa chỉ cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương với các đối tác Pháp như: Đầu mối Thương vụ Việt Nam tại Pháp; Cơ quan hải quan Pháp và các cơ quan hải quan địa phương của Pháp. Đặc biệt là cung cấp những thông tin chung nhất về Hiệp định Thương mại tự do hiện đang có hiệu lực giữa Việt Nam và Pháp là Hiệp định EVFTA với những cam kết chủ yếu về: Hàng hóa, dịch vụ, đầu tư.
Ngoài ra, Cổng FTAP cũng cung cấp đầy đủ thông tin quy định cụ thể của Pháp cũng như quy định chung của EU áp dụng với hàng hóa xuất, nhập khẩu tại Pháp.
Đáng chú ý, về thủ tục xuất nhập khẩu, Cổng FTAP cũng thông tin các quy định về thủ tục xuất nhập khẩu của EU đều áp dụng cho việc nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Pháp.
Theo thông tin từ Cổng FTAP, chỉ tính riêng các loại Giấy phép nhập khẩu của Pháp cũng có khá nhiều loại đặc thù với các loại hàng hóa khác nhau và cơ quan quản lý, cấp phép khác nhau. Đơn cử, Giấy phép nhập khẩu nông sản do Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm phụ trách; Giấy phép cho các sản phẩm sắt, thép và nhôm do Bộ Kinh tế, Tài chính và Phục hồi phụ trách…
Liên quan đến hoạt động tiêu chuẩn hóa kỹ thuật của Pháp, Cổng FTAP cho biết Cơ quan Hiệp hội tiêu chuẩn hóa Pháp (AFNOR) có trách nhiệm, thẩm quyền kiểm tra các sản phẩm kỹ thuật như: Sản phẩm công nghiệp, thiết bị y tế, thiết bị đầu cuối vô tuyến và viễn thông, xe cộ… được đưa ra thị trường có đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn hóa hay không.