Longform | Cổng thông tin FTAP: Công cụ tra cứu các cam kết FTA thông minh, tiên tiến Cổng thông tin FTAP đang cập nhật, cung cấp nhiều chính sách về hiệp định thương mại tự do |
Theo đó, nhằm trở thành kênh thông tin hữu ích về các hiệp định thương mại tự do (FTA) đối với cộng đồng doanh nghiệp, ngành hàng và người dân, Cổng thông tin điện tử Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam (FTAP – fta.gov.vn) đã mở chuyên mục hỗ trợ nhằm cung cấp thông tin, nội dung về các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tận dụng các FTA.
Cụ thể, khi truy cập vào Cổng thông tin FTAP, doanh nghiệp và người dân có nhu cầu sẽ dễ dàng tìm hiểu về các chương trình hỗ trợ, như: Chương trình hỗ trợ tín dụng, chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ, chương trình hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, chương trình hỗ trợ đào tạo nhân lực, chương trình hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng, và các chương trình hỗ trợ khác…
Thông qua việc đăng tải, cập nhật thường xuyên thông tin các chương trình hỗ trợ, Bộ Công Thương kỳ vọng doanh nghiệp là những đối tượng thụ hưởng chương trình sẽ nắm rõ được các chương trình hỗ trợ kịp thời, qua đó có thể tận dụng được FTA một cách hiệu quả nhất.
Cổng thông tin FTAP. Ảnh: HQ |
Cổng thông tin FTAP được khai trương ngày 23/12/2020 nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp và người dân Việt Nam tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Theo đó, Vụ Chính sách thương mại đa biên là cơ quan chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong Bộ, Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện.
FTAP được thiết kế và xây dựng với một số tính năng, nội dung chính bao gồm: Tra cứu trực tuyến các cam kết về thuế, quy tắc xuất xứ, dịch vụ và đầu tư theo các FTA với các đối tác để hưởng ưu đãi; số liệu, đặc điểm thị trường có FTA với Việt Nam, các thủ tục cần thực hiện cho hoạt động xuất - nhập khẩu, cấp phép; cập nhật kế hoạch hành động, thực thi các FTA của Việt Nam từ phía các cơ quan quản lý; cập nhật văn bản pháp luật thực hiện các FTA do cơ quan quản lý ban hành; cập nhật các hoạt động phổ biến, tuyên truyền như các hội nghị, hội thảo, khóa tập huấn, ấn phẩm hỗ trợ doanh nghiệp.
Cổng tin thông tin FTAP sẽ cung cấp các chương trình hỗ trợ tận dụng FTA tới doanh nghiệp. Ảnh: HQ |
Theo Vụ Chính sách thương mại Đa biên, Bộ Công Thương, FTAP lấy doanh nghiệp và người dân làm trọng tâm để thực hiện các mục tiêu chính sau: nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi các FTA của Việt Nam, từ đó đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam trong hệ thống thương mại toàn cầu; hiện thực hóa và tận dụng tối đa lợi ích của các FTA; đảm bảo hiệu suất và hiệu quả trong việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, giải thích của cơ quan nhà nước tới doanh nghiệp và người dân về các cam kết của Việt Nam trong các FTA.
Trong giai đoạn 2022-2025, FTAP sẽ được tập trung phân tích, xây dựng và đăng tải bộ dữ liệu trong các FTA còn lại mà Việt Nam là thành viên, đặt mục tiêu các doanh nghiệp và người dân có thể truy cập và tìm kiếm thông tin cho tất cả các FTA mà Việt Nam đã tham gia. Về lộ trình thực hiện, các FTA thế hệ mới và các FTA đa phương mà Việt Nam là thành viên (bao gồm các FTA giữa ASEAN và các đối tác) sẽ được triển khai trước, sau đó là các FTA song phương mà Việt Nam là thành viên.
FTAP cũng sẽ được nâng cấp cho phép kết nối chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin của Bộ, ngành khác thông qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung cấp Bộ (LGSP); Tích hợp khả năng gọi và kết nối dữ liệu (API) từ trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, phân tích, xây dựng và đăng tải bộ dữ liệu liên quan đến Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để có tính kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân có sự so sánh, đánh giá giữa các thỏa thuận thương mại đa phương và song phương mà Việt Nam tham gia,…
Vụ Chính sách thương mại Đa biên thông tin thêm, đến giai đoạn sau năm 2025, FTAP sẽ tiếp tục được nâng cấp và phát triển các tính năng mới của FTAP để nâng cao chất lượng trải nghiệm của người dùng; tiếp tục cập nhật các bài viết, thông tin, chính sách, số liệu, các khóa đào tạo, tập huấn… liên quan đến các FTA của Việt Nam.