69 làng nghề trong cả nước tham gia Festival nghề truyền thống Huế Dấu ấn bảo tồn và “khoác áo mới” cho nghề truyền thống Huế Festival Nghề truyền thống Huế tạo được "tiếng vang" |
Đây là một trong những sự kiện lớn để thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế góp phần giữ gìn bản sắc Huế và phát huy giá trị nghề truyền thống, tăng cường quảng bá tới du khách, kích cầu du lịch; nâng tầm hình ảnh và vị thế của Huế...
Phóng viên Báo Công Thương có cuộc trao đổi với Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh - Tổng đạo diễn Festival nghề truyền thống Huế 2023 để hiểu rõ hơn về sự kiện đặc biệt này.
Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh - Tổng đạo diễn Festival nghề truyền thống Huế 2023 |
Là tổng đạo diễn Festival nghề truyền thống Huế năm 2023, ông đánh giá như thế nào về việc thông qua chương trình này để quảng bá, thu hút du khách đến với Huế?
Ông Lê Quốc Vinh: Thực ra, đây mới là lần thứ hai tôi được giao nhiệm vụ tổng đạo diễn Festival Nghề truyền thống Huế. Lần trước, năm 2021, công việc chuẩn bị đang rốt ráo thì đại dịch Covid-19 bùng phát, Festival bị huỷ. Năm đó, Thành phố Huế định tổ chức Festival Nghề truyền thống kéo dài trong một tháng, với mỗi cuối tuần đều có những chương trình hấp dẫn để thu hút du khách. Nhưng năm nay, với tinh thần cả thành phố Huế có festival suốt 4 mùa, quanh năm, nên Festival Nghề truyền thống lại thu lại trong 8 ngày như trước đây.
Được tổ chức đúng dịp lễ 30/4 – 1/5 nên đương nhiên Huế sẽ chật cứng du khách. Festival sẽ như một lực hấp dẫn gia tăng làm Huế càng đông vui hơn. Lẽ ra, nếu mạnh dạn hơn, tôi nghĩ những lễ hội lớn nên chọn vào giai đoạn thấp điểm để thu hút thêm khách du lịch đến với Huế.
Nhìn về tổng thể, mỗi lần tổ chức Festival thì chương trình và nội dung đều mỗi ngày hấp dẫn hơn. Từ mục tiêu ban đầu là quảng bá, giới thiệu nghề truyền thống, Festival ngày càng mở rộng quy mô, với nhiều hoạt động đa dạng, mang tính du lịch nhiều hơn. Bên cạnh các hoạt động mang tinh thần tôn vinh, giới thiệu, quảng bá nghề truyền thống, nghề thủ công của Huế và các vùng miền trên cả nước, Festival có nhiều hoạt động mang âm hưởng văn hoá nữa. Đó là sức hút du lịch.
Năm nay, sau thời kỳ gián đoạn vì Covid, có lẽ sức hút đối với du khách quốc tế chưa thể là cao như trước đây, nhưng đối với du lịch nội địa thì đây chính là cơ hội rất tốt. Tôi đã nhìn thấy sự háo hức của người dân Huế và khách du lịch khắp nơi khi nói đến Festival.
Qua các kỳ Festival Nghề truyền thống Huế, địa phương này cần làm gì để ngày càng nâng tầm nghề truyền thống cũng như góp phần phát huy bản sắc văn hóa Huế, thưa ông?.
Festival nghề truyền thống Huế không chỉ gìn giữ và phát huy giá trị nghề mà còn góp phần phát huy bản sắc Huế, thu hút du khách |
Ông Lê Quốc Vinh: Một thực tế là, làng nghề và nghề thủ công truyền thống của chúng ta, mặc dù chất lượng rất cao, nhưng kém tính sáng tạo. Sản phẩm hầu như không thay đổi mấy so với những gì ông cha ta đã làm ra từ nhiều thế kỷ. Vấn đề thiết kế sáng tạo luôn là bài toán đau đầu cho phát triển. Thị trường trong và ngoài nước đều thèm khát những sáng tạo mới, có tính ứng dụng cao trong đời sống con người. Đó là thách thức đối với Festival Nghề truyền thống Huế nói riêng, và ngành thủ công Việt Nam nói chung.
Nghề thủ công vốn được UNCTAD (Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển) và UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc) coi là một trong những ngành kinh tế sáng tạo. Hàm lượng sáng tạo từ trí tuệ cá nhân là yếu tố then chốt tạo ra giá trị thặng dư của các ngành công nghiệp sáng tạo – công nghiệp văn hoá. Vì vậy, thúc đẩy thiết kế sáng tạo là một trong những vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu.
Năm nay, bên cạnh Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tôn vinh nghệ nhân và làng nghề truyền thống như mọi năm, sẽ còn có một Triển lãm Thiết kế Sáng tạo Thủ công, diễn ra song song, tại toà nhà 15 Lê Lợi, bên bờ sông Hương. Triển lãm này là nơi hội tụ của một phần trong những sáng tạo đột phá, mang tính ứng dụng cao của nhiều nghệ sỹ, nghệ nhân và doanh nghiệp sáng tạo. Cùng với đó là một số buổi diễn thuyết, truyền cảm hứng về thiết kế và sáng tạo. Hy vọng đó sẽ là những nhân tố thúc đẩy tính sáng tạo, làm mới ngành thủ công truyền thống để nó ngày càng tiếp cận gần hơn với nhu cầu tiêu dùng và hưởng thụ của thế giới đương đại. Đó là chìa khoá để phát triển bền vững nghề truyền thống, tạo dấu ấn đặc biệt về văn hoá, có khả năng thu hút mạnh mẽ khách du lịch trong và ngoài nước.
Rất đông du khách tham gia, trải nghiệm tại Festival nghề truyền thống Huế |
Theo ông, để du lịch gắn với nghề truyền thống ngày càng phát triển, vai trò truyền thông quảng bá quan trọng ra sao và cần phải làm gì?
Ông Lê Quốc Vinh: Festival Nghề truyền thống Huế vừa nhằm mục đích hỗ trợ phát triển các ngành nghề thủ công, vừa nhằm mục đích thu hút du lịch. Rõ ràng, mục tiêu du lịch đang ngày càng trở nên thực dụng và quan trọng. Vì thế, truyền thông quảng bá đến đối tượng mục tiêu là yếu tố then chốt để thực hiện các mục tiêu đó. Nhưng, còn rất nhiều điều phải bàn về truyền thống.
Festival Nghề truyền thống Huế nói riêng và Festival Huế nói chung đã khá thành công trong việc tạo dựng vị thế hình ảnh, đã trở thành những sự kiện quan trọng trong đời sống văn hoá, và cả kinh tế, của Việt Nam. Các sự kiện này đã trở thành sức hút khá tốt đối với du lịch nội địa. Nhưng hiệu quả thu hút du lịch quốc tế, mở ra cơ hội kinh doanh từ du lịch quốc tế là chưa cao. Đối với thị trường quốc tế, chúng ta làm chưa đủ mạnh và chưa đủ tập trung. Do suy thoái vì đại dịch COVID-19, thời gian này không dễ để thu hút khách du lịch quốc tế đến Huế, nhưng chúng ta cần chuẩn bị đổi mới phương thức truyền thống, chọn lựa thị trường mục tiêu và xây dựng các nền tảng truyền thông phù hợp với đối tượng khách du lịch quốc tế.
Riêng đối với thị trường trong nước, nếu quảng bá tốt hơn, tôi nghĩ thành công còn lớn hơn nhiều. Hoạt động truyền thông vẫn khá truyền thống, dựa vào sự hợp tác, hỗ trợ của báo chí cũng như các kênh quảng bá ngoài trời, nhiều hơn là các chiến dịch truyền thông tích hợp, tương tác, đa kênh, đa nền tảng hiện đại. Chúng tôi đang từng bước tư vấn thêm cho Huế để cải thiện hiệu quả truyền thông trong những năm tới.
Xin trân trọng cảm ơn ông!