Hoàn thiện các mảnh ghép, quyết gỡ ‘thẻ vàng’ IUU Quyết tâm gỡ cảnh báo ''thẻ vàng'' IUU trong năm 2024 Phát triển nghề cá bền vững là căn cốt để giải quyết vấn đề khai thác IUU |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau gần 7 năm Việt Nam bị cảnh báo 'thẻ vàng' về Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) những nỗ lực gỡ 'thẻ vàng' của Việt Nam cải thiện rất nhiều. Trong thời gian gần đây, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương cũng tích cực hơn trong việc tham gia, cải thiện những khuyến nghị của Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC).
EC lùi thời hạn kiểm tra ‘thẻ vàng’ IUU tại Việt Nam |
Mới đây, Ban Bí thư ban hành ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản. Chỉ thị huy động sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị vào lãnh đạo, chỉ đạo chống khai thác IUU. Như vậy, chống khai thác IUU đã có sự chỉ đạo xuyên suốt từ Đảng, Nhà nước.
Trước đó, ngày 4/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Ngày 5/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Hai Nghị định mới được ban hành với quy định chặt chẽ, chế tài xử phạt cao hơn được nhận định đã hoàn thiện các mảnh ghép trong việc gỡ ‘thẻ vàng’ IUU cũng như hướng đến ngành thủy sản bền vững.
Bên lề cuộc Họp triển khai thực hiện Kế hoạch IUU do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 21/5, trao đổi với phóng viên, báo chí, ông Nguyễn Quang Hùng - Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, EC đã thay đổi lịch đến Việt Nam để kiểm tra về công tác chống khai thác IUU. Theo đó, EC dời lịch sang Việt Nam vào khoảng tháng 9, 10 năm nay, thay vì tháng 5 như dự kiến hồi đầu năm. Trong thời gian EC chưa sang kiểm tra, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện triệt để, quyết liệt các giải pháp để có thể tháo gỡ “thẻ vàng”.
Với vai trò thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Chống khai thác IUU, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 32 và tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 52 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng cũng như các chương trình, kế hoạch hành động chống khai thác IUU. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã xây dựng Nghị quyết ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư, Nghị quyết 52 của Chính phủ.
Tổng thể kế hoạch từ nay đến khoảng tháng 9, 10/2024, dự kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì một cuộc họp và đi kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại các địa phương vào tháng 6. Cùng đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có kế hoạch cụ thể hàng tháng về việc kiểm tra thực tế tại tất cả các tỉnh, thành phố ven biển từ nay đến khi EC sang kiểm tra.
Ông Nguyễn Quang Hùng cũng cho hay, một trong những lý do phía bạn lùi thời hạn kiểm tra, gỡ ‘thẻ vàng’ IUU đó là Việt Nam vừa ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 38/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Phía EC muốn xem xét việc triển khai thực thi pháp luật của Việt Nam với 2 Nghị định này ra sao.
Theo ông Nguyễn Quang Hùng, những nội dung chính triển khai các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm mạnh từ nay đến tháng 9, 10 để gỡ 'thẻ vàng' IUU gồm: Bằng mọi giải pháp, chúng ta ngăn chặn giảm thiểu tối đa tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiên quyết xử lý triệt để những tàu cá vi phạm...
"Với sự đồng hành của bà con ngư dân, sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Chỉ thị 32 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 52 của Chính phủ, hy vọng, Việt Nam sẽ gỡ được ‘thẻ vàng’ IUU", ông Nguyễn Quang Hùng nói.
Để chuẩn bị đón Đoàn thanh tra của EC lần thứ 5, phấn đấu gỡ 'thẻ vàng' IUU trong năm 2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến – nhấn mạnh, các đơn vị chức năng cần bám sát 4 nhóm khuyến nghị của EC đã đưa ra đối với Việt Nam. Theo đó, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; ban hành kế hoạch hành động cụ thể; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các đội tàu khai thác, đảm bảo 100% lắp các thiết bị giám sát hành trình, tàu nào không đủ điều kiện không cho xuất bến, không đi khai thác; ban hành kế hoạch truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử, đảm bảo không có việc trộn lẫn hồ sơ, gian lận trong xác nhận chứng nhận nguồn gốc, tăng tỷ lệ xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm.
“Từ nay đến khoảng tháng 9, tháng 10/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đi trực tiếp kiểm tra cũng như họp Ban chỉ đạo quốc gia về IUU để đánh giá kết quả nhiệm vụ về chống khai thác IUU của các địa phương”, ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đợt kiểm tra lần thứ 4 của Đoàn Thanh tra của EC vào tháng 10/2023, kết quả triển khai công tác chống khai thác IUU có sự tiến bộ so với trước, nhưng chưa giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế nên chưa thể gỡ được cảnh báo 'thẻ vàng'. Việc gỡ 'thẻ vàng' IUU là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết vì thị trường EU nằm trong Top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam, sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và đứng trước Nhật Bản, Hàn Quốc.