Dự trữ khí đốt ở châu Âu giảm xuống dưới 60%
Theo đó, tổng lượng rút khỏi các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất của Liên minh châu Âu (EU) kể từ đầu mùa sưởi ấm đã lên tới 49 tỷ m3. Trong khi giá khí đốt trên thị trường chứng khoán châu Âu được giao dịch ở mức khoảng 300 USD/1 nghìn m3.
Dự trữ khí đốt tại các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất ở châu Âu đang ở mức thấp kỷ lục trong tháng 3 và đã giảm xuống dưới 60%. Ảnh: Euronews |
Tuyến đường quá cảnh qua Ukraine vẫn là tuyến đường duy nhất cung cấp khí đốt của Nga tới các nước Tây và Trung Âu sau vụ phá hoại đường ống Dòng chảy phương Bắc. Nguồn cung cấp khí đốt của Nga đi qua Ukraine đã giảm với khối lượng kể từ tháng 5/2022, khi các công ty của Kiev thông báo ngừng trung chuyển đến châu Âu qua trạm nén.
Ngoài ra, suy thoái toàn cầu trong hoạt động sản xuất kể từ năm 2022 cũng là một trong những nguyên nhân chính tác động đến nhu cầu khí đốt của ngành công nghiệp, đặc biệt là ở châu Âu.
Một yếu tố quan trọng khác khiến giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu giảm mạnh trong thời gian gần đây là do các nước EU đang tăng cường sử dụng những nguồn năng lượng tái tạo cũng như thúc đẩy điện hạt nhân.
EU giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga
Theo chuyên gia năng lượng và khí hậu Ignacio Urbasos Arbeloa thuộc Viện Hoàng gia Elcano (Tây Ban Nha), đến nay EU đã giảm 80% lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga bằng đường ống mà không cần phải từ bỏ hỗ trợ chính trị, kinh tế và quân sự cho Ukraine. Trước đó, Nga chiếm 42% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của châu Âu vào năm 2021, tỷ lệ này đã giảm xuống 14% vào năm 2023 (5,3% với khí tự nhiên hóa lỏng LNG và 8,7% với khí đốt qua đường ống).
Giới chuyên gia cho rằng, nhờ phát triển năng lực mới để nhập khẩu LNG và xây dựng các kết nối, EU đã bước sang một giai đoạn mới trong quá trình giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga, xoa dịu lo ngại về tình trạng thiếu nhiên liệu. EU cũng đề ra kế hoạch REPowerEU, xác định rằng đến năm 2027 sẽ ngừng mua khí đốt Nga.
Tuy nhiên, trong khi các nước châu Âu đang thực hiện kế hoạch đa dạng hóa và duy trì mục tiêu năm 2027, Hungary đã thể hiện ý định tiếp tục nhập khẩu khí đốt của Nga bằng cách ký các hợp đồng dài hạn mới.
Mặc dù quan điểm của Chính phủ Hungary đối với Nga vẫn là ngoại lệ ở EU, nhưng lại đặt ra một tiền lệ có thể làm suy yếu quyết tâm của các quốc gia thành viên để lựa chọn tiếp tục nhận khí đốt của Nga qua đường ống Thổ Nhĩ Kỳ (TurkStream).