Giá khí đốt ở Mỹ giảm mạnh
Do nhiệt độ mùa đông cao hơn bình thường khiến việc sử dụng khí đốt để sưởi ấm thấp hơn so với kỳ vọng ban đầu. Trong khi sản lượng khí đốt của Mỹ tăng mạnh, đạt kỷ lục 105 tỷ foot khối/ngày vào tháng 12/2023. Tiêu thụ ít dẫn tới việc giá khí đốt ở Mỹ giảm hơn 50% kể từ giữa tháng 1.
Theo đó, giá khí đốt giao tháng 3 ở Henry Hub (giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt Mỹ) chốt phiên ở mức 1,61 USD/triệu BTU, tăng nhẹ từ mức 1,58 USD/triệu BTU.
Giới chuyên gia cho biết, ngoại trừ một vài ngày vào giữa năm 2020, thời điểm đại dịch Covid-19 gây sụt giảm nhu cầu khí đốt thì đây là mức giá đóng cửa của hợp đồng khí đốt giao tháng kế tiếp thấp nhất kể từ năm 1995.
(Ảnh minh họa) |
Biến đổi khí hậu đã dẫn tới những mùa đông ngày càng ấm trên thế giới. Dữ liệu công bố vào tháng 2 này cho thấy, nhiệt độ bình quân toàn cầu trong kỳ 12 tháng đã lần đầu tiên đã vượt quá ngưỡng chuẩn là cao hơn 1,5 độ C so với mức nhiệt của thời kỳ tiền công nghiệp.
Theo Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, số ngày cần sưởi ấm - một thước đo về độ lạnh của thời tiết, dựa trên tần suất mà nhiệt độ giảm dưới một ngưỡng tham chiếu nhất định - đã giảm 7% trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây.
EIA cho biết, tình trạng dư thừa khí đốt đã đẩy lượng khí đốt tồn trữ ở Mỹ lên mức 2,54 nghìn tỷ foot khối ở thời điểm cách đây hơn 1 tuần. Mức tồn trữ này cao hơn 11% so với cách đây 1 năm và cao hơn 16% so với mức bình quân 5 năm.
“Gã khổng lồ” năng lượng Nga gặp khó
Cuối năm 2023, Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga báo cáo doanh số bán khí đốt sang Trung Quốc ở mức kỷ lục. Tuy nhiên, trên thực tế, tập đoàn đang phải vật lộn với việc mất đi thị trường lớn nhất ở châu Âu.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga dự đoán kết quả cả năm 2023 của Gazprom cho thấy, công ty không còn có lãi và khoản lỗ ròng có thể lên tới 1 nghìn tỷ ruble (10,8 tỷ USD) vào năm 2025.
Tỷ trọng khí đốt Liên minh châu Âu (EU) nhập từ Nga giảm từ hơn 40% năm 2021 xuống còn 8% vào năm ngoái. Giá khí đốt cũng giảm xuống so với mức đỉnh ghi nhận vào đầu cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong khi đó, đối với thị trường Nga, tập đoàn này luôn tiêu thụ một tỷ trọng lớn hơn trong sản lượng khí đốt và thị trường trong nước đã giúp Gazprom trụ vững khi không còn bán được khí đốt cho châu Âu.
Tuy nhiên, giá khí đốt bán trong nước thấp hơn nhiều so với giá xuất khẩu, nên cũng không thể bù được sự mất mát thị phần đó. Gazprom phải bán khí đốt trong nước theo giá điều tiết của nhà nước, trong khi những đối thủ như Rosneft và Novatek có thể đưa ra mức giá chiết khấu để thu hút khách lớn.
Bên cạnh đó, dù xuất khẩu khí đốt của Nga sang Trung Quốc tăng nhưng khối lượng vẫn tương đối nhỏ. Nga xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 22 tỷ mét khối khí đốt qua đường ống vào năm ngoái, nhưng rất nhỏ so với mức trung bình 230 tỷ mét khối xuất khẩu sang châu Âu trong thập kỷ trước cuộc chiến ở Ukraine.