Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đánh giá là chính sách có vai trò quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. So với dự thảo trước, dự thảo mới nhất đã có bước tiến về chất lượng. Những vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm như bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cơ bản được sửa đổi khá cụ thể, đảm bảo tính minh bạch, giúp hạn chế khiếu kiện.
Tính đến nay, đã có trên 12 triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Người dân quan tâm nhiều đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tài chính đất đai và giá đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… Để bảo đảm tiến độ, chất lượng dự thảo luật, việc nghiên cứu, đánh giá tác động, làm rõ căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn, tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân để hoàn thiện dự án luật được Chính phủ thực hiện ngay trong quá trình lấy ý kiến.
Ông Đào Trung Chính cho rằng dự thảo đã đảm bảo tính minh bạch trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư |
Để làm rõ hơn vấn đề này phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Đào Trung Chính - Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Thưa ông, bồi thường, tái định cư là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, đây cũng là nội dung có nhiều khiếu kiện kéo dài, vậy dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã giải quyết vấn đề trên như thế nào, thưa ông?
Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng trên quan điểm tiếp tục kế thừa, luật hóa những quy định đã được thực tế chứng minh là phù hợp của Luật Đất đai năm 2013, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định mới nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập trong thực tế; đưa chủ trương về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương đi vào cuộc sống. Nhiều điểm mới quy định về vấn đề này sẽ góp phần đảm bảo tính minh bạch trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Trước hết về mặt nguyên tắc: Dự thảo luật đã đa dạng hình thức bồi thường bằng tiền, bằng đất có cùng mục đích sử dụng, bằng nhà ở và bằng đất khác mục đích sử dụng với đất thu hồi nếu người bị thu hồi đất có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất. Quy định này thể chế Nghị quyết số 18-NQ/TW, đảm bảo người dân có tư liệu sản xuất, có tài sản ổn định cuộc sống sau khi bị thu hồi đất; mặt khác quy định cho phép địa phương không có đất cùng mục đích với đất thu hồi được bồi thường bằng đất khác sẽ giảm áp lực cho ngân sách nhà nước khi phải ứng vốn chi trả bồi thường bằng tiền.
Bổ sung quy định tạo điều kiện cho người có đất ở thu hồi được ưu tiên lựa chọn hình thức bồi thường bằng tiền nếu có nhu cầu và phải đăng ký khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Quy định này thể chế Nghị quyết số 18-NQ/TW, đảm bảo quyền lợi được ưu tiên lựa chọn hình thức bồi thường bằng tiền cho người có đất thu hồi.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng sửa đổi quy định về thời điểm ban hành Quyết định thu hồi đất sau thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đối với trường hợp phải bố trí tái định cư thì chỉ được ban hành quyết định thu hồi đất sau khi đã bàn giao đất ở, nhà ở tái định cư cho người có đất thu hồi. Đồng thời có quy định về một số trường hợp được phép thu hồi đất nếu được người có đất bị thu hồi đồng ý và đã nhận tiền bồi thường để tự lo chỗ ở hoặc đã được bố trí tạm cư. Quy định này nhằm đẩy việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước theo đúng nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Bổ sung quy định Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất bị thu hồi phối hợp với đơn vị, tổ chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư điều tra, xác định, thống kê đầy đủ các thiệt hại thực tế về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất bị thu hồi, thu nhập từ việc sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất bị thu hồi, nguyện vọng tái định cư, chuyển đổi nghề để đảm bảo quyền lợi, sinh kế cho người có đất bị thu hồi.
Vậy còn liên quan đến vấn đề bồi thường về đất, hỗ trợ và tài sản cụ thể như thế nào, thưa ông?
Dự thảo luật cũng đã đưa ra quy định điều kiện bồi thường về đất cho từng đối tượng sử dụng đất mà không dẫn chiếu sang điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm tháo gỡ vướng mắc phát sinh, tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện; chỉnh sửa quy định về điều kiện được bồi thường về đất để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy định về đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Quy định này thể chế Nghị quyết số 18-NQ/TW, tạo điều kiện cho địa phương không có đất cùng mục đích với đất thu hồi được bồi thường bằng đất khác sẽ giảm áp lực cho ngân sách nhà nước khi phải ứng vốn chi trả bồi thường bằng tiền.
Bổ sung quy định cho phép bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với đất thu hồi cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở nếu người bị thu hồi đất có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà.
Liên quan đến vấn đề tài sản, dự thảo luật đã sửa đổi quy định đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân theo hướng bồi thường theo bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương. Quy định trên bảo đảm cho người bị thu hồi đất có đất ở và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ theo đúng nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người bị thu hồi đất được nhiều cử tri quan tâm |
Bổ sung quy định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành đơn giá bồi thường thiệt hại về về nhà, công trình xây dựng, cây trồng, vật nuôi đảm bảo phù hợp với giá thị trường và phải xem xét điều chỉnh khi có biến động để làm căn cứ tính bồi thường khi thu hồi đất. Quy định này nhằm đảm bảo trả đúng giá trị thiệt hại tài sản cho chủ sở hữu tài sản và thống nhất với nguyên tắc thị trường khi xác định giá đất để bồi thường.
Ngoài ra, dự thảo cũng đã bổ sung quy định hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm đối với các trường hợp cá nhân thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Quy định nhằm hỗ trợ cho những người yếu thế, hạn chế khả năng lao động (chịu ảnh hưởng thu nhập, việc làm nhiều hơn khi Nhà nước thu hồi đất) có điều kiện ổn định đời sống và phát triển sản xuất.
Chỉnh lý quy định về điều kiện hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo hướng bỏ điều kiện “trong độ tuổi lao động” đối với “người trực tiếp sản xuất nông nghiệp” để đảm bảo quyền và lợi ích cho người có đất thu hồi. Quy định đảm bảo quyền được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm của lao động là người cao tuổi, đặc biệt là trong bối cảnh già hóa dân số và phù hợp với quy định của Luật Việc làm và Bộ Luật lao động.
Bổ sung khoản hỗ trợ cho chủ cơ sở sản xuất kinh doanh phải ngừng sản xuất, kinh doanh do Nhà nước thu hồi đất; hỗ trợ di dời vật nuôi cho người có đất thu hồi. Quy định hỗ trợ thêm cho chủ sở hữu kinh doanh ngoài khoản bồi thường để ổn định và phát triển sản xuất.
Luật hóa quy định tại Nghị định số 47/2014/NĐ-CP, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định biện pháp, mức hỗ trợ khác để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất đối với người có đất bị thu hồi cho từng dự án cụ thể. Quy định tạo điều kiện cho địa phương linh hoạt, chủ động giải quyết theo thẩm quyền những vướng mắc về bồi thường, hỗ trợ phát sinh trong thực tiễn mà tại thời điểm xây dựng Luật đất đai chưa dự báo hết được.
Tái định cư hiện cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân, thay vì chỉ có công trình nhà ở mà thiếu các công trình phụ trợ về văn hóa, cơ sở hạ tầng khác thì dự thảo luật đã giải quyết vấn đề này thế nào, thưa ông?
Dự thảo luật sửa đổi đã bổ sung quy định cụ thể khu tái định cư bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất thu hồi quy định cụ thể địa điểm bố trí tái định cư; ưu tiên tái định cư tại chỗ. Bổ sung quy định khu tái định cư phải đảm bảo khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, chợ, thương mại - dịch vụ, vui chơi, giải trí, nghĩa trang (khoản 2 Điều 109 Dự thảo Luật).
Quy định bảo đảm cho người bị thu hồi đất có đất ở và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ theo đúng nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Bổ sung quy định bồi thường bằng giao đất ở hoặc nhà ở tái định cư cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải đất ở mà đủ điều kiện bồi thường về đất mà có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở và địa phương có điều kiện về quỹ đất ở, nhà ở.
Quy định về trường hợp người có đất ở thu hồi mà không còn chỗ ở khác thì trong thời gian chờ bố trí tái định cư được bố trí vào nhà ở tạm hoặc hỗ trợ tiền thuê nhà ở. Quy định bảo đảm cho người bị thu hồi đất có đất ở có chỗ tạm cư trong thời gian chở bố trí tái định cư tại chỗ.
Bổ sung xem xét hỗ trợ để giao thêm đất ở có thu tiền sử dụng đất hoặc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở trong trường hợp trong hộ gia đình có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất ở thu hồi. Bổ sung quy định giao trách nhiệm UBND cấp tỉnh căn cứ vào quỹ đất ở, nhà ở tái định cư và tình thực tế tại địa phương quy định chi tiết về cơ chế thưởng đối với người có đất bị thu hồi bàn giao mặt bằng trước thời hạn và suất tái định cư tối thiểu; chỉnh sửa để thống nhất cách hiểu về hỗ trợ tái định cư để phân biệt với trường hợp bồi thường bằng đất ở tại khu tái định cư.
Một điểm mới của dự thảo luật sửa đổi lần này liên quan đến chi trả bồi thường, hỗ trợ tái định cư được cho là linh hoạt và đảm bảo tính công bằng. Cụ thể, dự thảo đã chỉnh sửa quy định về thời hạn chi trả bồi thường, hỗ trợ trong vòng 30 ngày kể từ ngày quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đảm bảo việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước.
Bổ sung quy định về chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất để giải quyết trường hợp trên cùng một thửa đất nhưng người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản là hai đối tượng khác nhau…
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo luật lấy ý kiến nhân dân. Thông tin đáng lưu ý, về thu hồi, trưng dụng đất - nội dung nhận được nhiều ý kiến của nhân dân, ban soạn thảo đã sửa đổi toàn bộ nội dung của Điều 75 theo hướng Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất... |