Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) có những nội dung đổi mới nào đáng chú ý? Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Những ai được đứng tên trong sổ đỏ? |
Hội thảo nhằm cụ thể hóa chương trình hợp tác giữa Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội khóa XV và Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội Việt Nam) giai đoạn 2021-2026 nhằm tập hợp ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Phát biểu tại Hội thảo, TSKH. Phan Xuân Dũng- Chủ tịch Liên Hiệp hội Việt Nam: Luật Đất đai 2013 sau hơn 9 năm thi hành, công tác quản lý đất đai đã tạo ra hành lang pháp lý cho việc khai thác nguồn lực đất đai phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên do yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa, thu hút đầu tư… nhiều vấn đề mới đã phát sinh trong thực tiễn, đòi hỏi chính sách pháp luật đất đai phải tiếp tục được hoàn thiện.
Tại Hội thảo các chuyên gia đã chỉ ra còn nhiều nội dung bất cập trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) |
Góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi liên quan đến vấn đề tập trung /tích tụ đất nông nghiệp được quy định tại Điều 163,164 của Dự thảo, ông Nguyễn Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Về cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu trong thực tiễn, phù hợp với các quy định của Hiếp pháp và sửa đổi Luật Đât đai.
Tuy nhiên, nên cân nhắc quy định: Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc tập trung đất nông nghiệp phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quyết định..Tại mục 4. Điều 164 bỏ bỏ cụm từ: ”và đảm bảo ổn định quy hoạch đất nông nghiệp đã tích tụ”...
Góp ý cho nội dung Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất, PGS. TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho biết: Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi không có khái niệm về đất xây dựng đô thị. Khái niệm này chỉ có trong công tác lập quy hoạch đô thị và quản lý đô thị. Vì vậy cần bổ sung nội dung đất đô thị vào Luật Đất đai sửa đổi.
“Bên cạnh đó, quy hoạch sử dụng đất chưa làm tròn vai trò là nền tảng kết nối các vấn đề phát triển đảm bảo tính thống nhất tương đối về không gian, sử dụng nguồn lực bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền và lợi ích của chủ sử dụng đất trong khu vực; Luật Đất đai hiện tại chưa có quy định cụ thể cho việc quy hoạch và phát triển không gian ngầm đô thị. Vì thế Luật Đất đai sửa đổi cần có những điều cụ thể việc sử dụng đất trong quy hoạch và phát triển không gian ngầm đô thị…”, PGS.TS Lưu Đức Hải đề nghị.
Liên quan đến nội dung trên, TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: "Quá trình thực thi Luật Đất đai vẫn còn khá nhiều tồn tại, đặc biệt là tính thiếu đồng bộ, thống nhất giữa các luật có liên quan đến quy hoạch sử dụng đất như Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đất đai. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này vẫn chưa khắc phục được".
Không thống nhất về hệ thống quy hoạch, cụ thể: Điều 5 Luật Quy hoạch quy định hệ thống quy hoạch quốc gia bao gồm quy hoạch tổng thể quốc gia ( gồm quy hoạch biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia), quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. "Như vậy trong hệ thống quy hoạch quốc gia chỉ quy định quy hoạch sử dụng đất quốc gia, không quy định quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện, quy hoach sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh. Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện được thể hiện trong nội dung của quy hoạch tỉnh, điều 27 Luật Quy hoạch. Ngoài ra, sự không thống nhất về hệ thống, tên gọi các quy hoạch giữa các Luật sẽ gây phiền hà, khó khăn và vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện...", TS Đặng Việt Dũng khẳng định.
TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam |
TS. Nguyễn Hữu Dũng, Khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên - Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Hiện nay có sự chưa thống nhất về thuật ngữ: Thẩm định giá hay Định giá. Theo TS Dũng, thuật ngữ “Thẩm định giá” nghĩa là Định giá lại, đánh giá lại. Nếu định giá tài sản lần đầu, theo ngôn ngữ chung thi không bao giờ gọi là Thẩm định giá. Do vậy dùng thuật ngữ Định giá là chuẩn xác.
Một bất cập nữa là hiện nay Bộ Tài Chính cấp thẻ hành nghề Thẩm định giá. Người có thẻ hành nghề này có thể Thẩm định về giá cả 2 loại: bất động sản và giá Máy móc thiết bị. Điều này cũng chưa chuẩn, bởi vì hành nghề định giá bất động sản đòi hỏi có những kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực xây dựng, về đất đai, phong thủy, về đặc tính riêng biệt của bất động sản,…. Đối với, vấn đề hoàn thiện cơ chế về tổ chức và thực hiện định giá đất. Vấn đề cốt lõi, quan trọng nhất đối với việc định giá đất, đó là xác định được giá trị của đất sát với giá thị trường. Ở các nước phát triển khi giá đất được công bố rộng rãi, mức độ sai lệch chỉ ở mức 5 - 7%. Trong khi đó, ở Việt Nam có sự khác biệt rất lớn so với giá thị trường. Vậy, cơ chế nào để có thể xác định giá để Nhà nước ban hành có thể sát với giá thị trường? Theo TS Dũng, phải tách thẩm quyền quyết định về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và thẩm quyền quyết định về giá đất.
Ngoài ra, TS Dũng cũng đề nghị Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần: Định giá đất theo đúng quy định của Luật giá, lấy Luật giá làm gốc để điều chỉnh hoạt động này; Thực hiện thống nhất trong quy định hội đồng thẩm định giá đất tại Luật Đất đai với quy định hội đồng thẩm định giá nhà nước tại Luật giá; Cần mở rộng áp dụng biện pháp đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất; Hoàn thiện cơ chế về tổ chức và thực hiện định giá đất.
Hội thảo cũng nhận được góp ý của các chuyên gia đến từ các cơ quan nghiên cứu, đào tạo, quản lý tại địa phương liên quan đến các nội dung trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần làm rõ hoặc điều chỉnh như: Đăng ký đất đai; Quy hoạch sử dụng đất; Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;Thu hồi đất; Bồi thường hỗ trợ, tái định cư, giá đất: Phương pháp định giá đất…
Các ý kiến đóng góp sẽ được Ban tổ chức tổng hợp sẽ được gửi đến cơ quan soạn thảo Dự thảo để tiếp tục hoàn thiện trước khi trình Chính phủ và trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 10/2022 theo kế hoạch.
Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai cho biết: Về cơ bản, bố cục của Dự thảo Luật được sắp xếp như Luật Đất đai hiện hành, tăng thêm 02 chương (bổ sung thêm 01 chương quy định về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành 02 chương). Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 08 điều. |