Chiều 28/7, Hội đồng xét xử đã tuyên án đối với 54 bị cáo trong vụ đại án “Chuyến bay giải cứu”. Trong đó, bản án tù chung thân của bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an) nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều người đồng tình, bản án dành cho Hoàng Văn Hưng là đúng người đúng tội, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, bản án chưa khách quan và toà phán quyết không dựa trên nguyên tắc suy đoán vô tội.
Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Trọng Hoàng, Công ty Luật Chính pháp Đồng Tâm, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Liên quan vụ “Chuyến bay giải cứu”, hiện có nhiều ý kiến trái chiều về bản án tù chung thân đối với bị cáo Hoàng Văn Hưng, luật sư đánh giá như thế nào về phán quyết này của Hội đồng xét xử?
Luật sư Nguyễn Trọng Hoàng, Công ty Luật Chính pháp Đồng Tâm, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội |
Từ vụ "Chuyến bay giải cứu" cho thấy, bị cáo Hoàng Văn Hưng là một điều tra viên, có hiểu biết sâu sắc pháp luật và người có kinh nghiệm trong hoạt động tố tụng, đặc biệt là Trưởng phòng 5, Điều tra viên chính của vụ án. Vì vậy, trong các phần hỏi đáp, tranh luận tại phiên toà, Hưng đã thể hiện trình độ của một cựu điều tra viên dày dạn kinh nghiệm và khiến cho những người quan tâm theo dõi phiên toà “Chuyến bay giải cứu” phải chú ý đặc biệt.
Những tưởng, điều này sẽ khiến Hưng thoát tội, hoặc ít nhất là cơ quan tố tụng chưa đủ căn cứ để khẳng định Hưng nhận chiếc cặp có 450.000 USD, từ đó có những hình phạt nhẹ hơn so với khung hình phạt truy tố (Khoản 4, Điều 174 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017, với mức hình phạt từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân).
Tuy nhiên, Hoàng Văn Hưng đã bị mức án cao nhất của khung hình phạt truy tố - tù chung thân. Điều này thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và cũng khẳng định rằng cơ quan tiến hành tố tụng có đủ cơ sở, đủ căn cứ để buộc tội Hoàng Văn Hưng và đương nhiên, việc “lập luận” sắc bén của Hoàng Văn Hưng trước hội đồng xét xử, trong phiên toà lại phản tác dụng. Mức án thực sự thuyết phục được những người có chuyên môn.
Nhiều ý kiến cho rằng, Hội đồng xét xử đang buộc tội Hoàng Văn Hưng không có chứng cứ hoặc chứng cứ mơ hồ. Theo luật sư, căn cứ vào những chứng cứ nào trong vụ án để cơ quan tố tụng có thể buộc tội Hoàng Văn Hưng?
Theo Điều 15, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, xác định sự thật của vụ án: “Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội”.
Có thể hiểu một cách đơn giản rằng, việc người bị buộc tội (bị cáo) có nhận tội hay không thì cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải có trách nhiệm thực hiện các hoạt động theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Tại toà, bị cáo Hoàng Văn Hưng nhiều lần kêu oan, phủ nhận tội. |
Giả sử, hãy đặt ngược lại vấn đề, nếu như bị cáo Hoàng Văn Hưng nhận tội từ khi khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử là chiếc cặp đó có chứa 450.000 USD và cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào việc nhận tội đó của Hưng để truy tố, xét xử, tuyên án thì như thế nào? Khoản 2, Điều 98, Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định: “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội”.
Như vậy, trong trường hợp này, để buộc tội được bị cáo Hoàng Văn Hưng, cơ quan tiến hành tố tụng đã phải dày công thu thập chứng cứ là camera an ninh quay lại việc ông Hưng nhận chiếc cặp, “ca-táp” chứa tiền; sao lưu điện thoại bị cáo Tuấn, bị cáo Hằng liên lạc với ông Hưng; thực nghiệm điều tra, dựng lại hiện trường như cơ quan điều tra phải cần 450.000 USD thật để trong “ca-táp” cùng loại xem có chứa đủ được và một người sức khoẻ bình thường như ông Hưng có xách được chiếc “ca-táp” đó không.
Đặc biệt là lời khai của bị cáo Tuấn, bị cáo Hằng, cùng với “dòng tiền” (trong đó có khoản đầu tiên 350.000 USD được giao nhận tại nhà riêng của cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội) ra vào của các bị cáo đó có thực sự khớp với lời khai không. Thậm chí, phải “móc” ra được sau khi nhận “ca-táp” thì số tiền đó được cất giấu ở đâu, có đầu tư mua bất động sản, hoặc tài sản gì của Hưng...
Từ đó cho thấy, còn có những chứng cứ vật chất khác đủ mạnh để cơ quan tiến hành tố tụng buộc tội được bị cáo Hưng chứ không đơn giản chỉ là những lời khai của bị cáo Tuấn, bị cáo Hằng, hoặc những chứng cứ chung chung, mơ hồ, không liên quan.
Một số ý kiến cho rằng, Hội đồng xét xử không thể xét xử buộc tội một người với niềm tin nội tâm mà phải có bằng chứng cứ rõ ràng, xác đáng, được thu thập hợp pháp. Nếu phải suy đoán, thì chỉ có một sự suy đoán được luật pháp chấp nhận là suy đoán vô tội. Luật sư có ý kiến gì về vấn đề này?
Không chỉ ở Việt Nam, lịch sử tố tụng hình sự thế giới đã có những án oan thế kỷ. Vì vậy, nguyên tắc suy đoán vô tội đã được coi là nguyên tắc bao trùm, xuyên suốt trong hoạt động tố tụng ở các nước trên thế giới và Việt Nam. Điều 13, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 của Việt Nam quy định về suy đoán vô tội như sau: “Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.
Luật sư cho rằng, các mức hình phạt không chỉ là răn đe, mà còn thể hiện tính khoan hồng của pháp luật. |
Trở lại trường hợp bị cáo Hoàng Văn Hưng, mặc dù Hưng một mực kêu oan, cho rằng chiếc “ca-táp” chỉ chứa 4 chai rượu vang, chứ không phải là 450.000 USD và coi đó là lời khai hợp lý nhất, vì không ai có thể nhìn thấy có gì trong chiếc “ca-táp” đó. Thực tế, như thẩm phán Chủ toạ phiên toà lập luận “Có ai tặng rượu cho người vừa mới ốm thập tử nhất sinh? Có ai bỏ rượu vào “ca-táp” để mang đi tặng không?”.
Đối chứng lời khai, hay trong hoạt động tố tụng gọi là “đối chất”, thì rõ ràng lời khai của bị cáo Tuấn, bị cáo Hằng sẽ có căn cứ và đáng tin cậy hơn là lời khai của bị cáo Hưng, chưa kể những chứng cứ vật chất khác chứng minh ngược lại lời khai của bị cáo Hưng.
Ngoài bản án tù chung thân dành cho bị cáo Hoàng Văn Hưng, luật sư có nhận định gì về bản án dành cho các bị cáo và toàn diện vụ án, đặc biệt, từ những tác động qua vụ án đến xã hội?
Qua theo dõi diễn biến phiên toà, xét hỏi, tranh luận, tranh tụng, tuyên án của vụ án “Chuyến bay giải cứu”, tôi nhận thấy rằng, mức án cụ thể của từng bị cáo đã được Hội đồng xét xử cân nhắc rất kỹ lưỡng.
Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, hoàn cảnh, mức độ hành vi phạm tội của từng bị cáo, xem xét khách quan, toàn diện của vụ án cũng như từng bị cáo để Hội đồng xét xử có mức án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Bên cạnh đó cho thấy, các mức hình phạt không chỉ là răn đe, mà còn thể hiện tính khoan hồng của pháp luật, đảm bảo mục đích hình phạt không chỉ là trừng trị mà còn giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội và cũng đáp ứng được những mong mỏi của xã hội, Đảng, Nhà nước đối với những vụ án tham nhũng lớn như vụ “Chuyến bay giải cứu” này.
Trân trọng cảm ơn luật sư!