Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, sầu riêng vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu rau quả khi 9 tháng năm 2023 mang về 1,63 tỷ USD, ông bình luận gì về con số này?
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đạt tới 4,21 tỷ USD, tăng 72,5% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 2,75 tỉ USD, tăng 160% so với cùng kỳ năm trước.
Dự kiến xuất khẩu sầu riêng đến hết tháng 10/2023 thu về xấp xỉ 2 tỷ USD |
Rau quả là nhóm mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng trưởng ấn tượng nhất trong 9 tháng đầu năm. Trong đó, đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng của nhóm hàng rau quả xuất khẩu là mặt hàng sầu riêng. Hết tháng 9/2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 1,63 tỉ USD, gấp hơn 14 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 7/2023, xuất khẩu rau quả thu về 700 triệu USD, riêng mặt hàng sầu riêng thu về 400 triệu USD.
Tính đến thời điểm hiện tại, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 10/2023 dự kiến đạt khoảng 700 triệu USD, do đó, xuất khẩu sầu riêng dự kiến thu về 400 triệu USD.
Với con số này, dự kiến đến hết tháng 10/2023, xuất khẩu sầu riêng sẽ thu về xấp xỉ 2 tỷ USD. Và khả năng, cả năm nay, xuất khẩu sầu riêng sẽ đạt khoảng 2,2 – 2,3 tỷ USD.
Hiện, vụ mùa sầu riêng tại Tây Nguyên đã hết chưa, thưa ông?
Hiện mùa sầu riêng tại Tây Nguyên vẫn chưa hết, thời gian này chúng ta đang thu hái sầu riêng tại Đắk Lắk. Chúng ta vẫn còn vùng trồng sầu riêng tại Gia Lai, và dự kiến sẽ được thu hoạch trong tháng 11/2023.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam. |
Đây cũng là thời điểm được giá của sầu riêng vì không nước nào còn sầu riêng. Tuy nhiên, sản lượng sầu riêng tại vùng Gia Lai ít hơn Đắk Lắk (chỉ bằng 1/3 sản lượng).
Tháng 12/2023, chúng ta sẽ thu hái và xuất khẩu sầu riêng khu vực miền Tây như Tiền Giang, Vĩnh Long. Sản lượng không nhiều, nhưng giá cao nên mang lại giá trị xuất khẩu lớn.
Hiện, giá sầu riêng ở mức 70.000 – 80.000 đồng/kg, với mức giá này bà con thu lợi nhuận khá cao, đâu đó khoảng 300 - 400%.
Việc bà con nhiều vùng, trong đó có Gia Lai, đang đẩy mạnh trồng sầu riêng do lợi nhuận cao, điều này có đáng lo ngại không, thưa ông?
Sầu riêng Thái Lan trồng ở vùng phía Nam, nằm ngang với khu vực miền Tây và vùng Đông Nam Bộ của Việt Nam.
Trong khi đó, vùng Tây Nguyên nằm ở vĩ độ cao nên có thể trồng sầu riêng trái vụ. Gia Lai có thổ nhưỡng, khí hậu, vĩ độ phù hợp cho sầu riêng trái vụ. Do đó, chúng ta có lợi thế về giá và ít bị cạnh tranh.
Như tôi nói ở trên, dự kiến, xuất khẩu sầu riêng cả năm nay sẽ thu về 2,2 – 2,3 tỷ USD. Con số này, so với các mặt hàng rau quả của Việt Nam thì sầu riêng đang giữ vị trí kỷ lục. Tuy nhiên, nếu so với Thái Lan thì chúng ta vẫn thấp.
Đến thời điểm này, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan đã đạt con số 3,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, sầu riêng Việt mới vào sân chơi (ký kết Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc) mà đạt con số này thì cũng là rất tốt rồi.
Việt Nam đi sau mà đạt được thành quả lớn như vậy, đâu là nguyên nhân, thưa ông?
Nguyên nhân là do sầu riêng Việt Nam có quanh năm, trong khi Thái Lan chỉ có theo vụ. Bên cạnh đó, chi phí logistics của chúng ta xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thấp hơn Thái Lan.
Chất lượng sầu riêng của Việt Nam cũng rất tốt, do đó, dù chúng ta mới tham gia thị trường sầu riêng nhưng lại đạt được thành quả rất đáng nể.
Với việc tăng cường chất lượng, cùng với việc được cấp thêm nhiều mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, và mở cửa thêm nhiều thị trường thì con số xuất khẩu sầu riêng 3,5 tỷ USD trong thời gian tới chúng ta hoàn toàn có thể đạt được.
Ông có khuyến nghị gì cho người dân trồng sầu riêng?
Dự báo, trong 15 năm tới, thị trường tiêu thụ sầu riêng vẫn rất tốt. Hiện, không có cây trồng nào thay thế được sầu riêng về lợi nhuận. Nếu chúng ta hạn chế người dân trồng, trong khi người dân các nước khác như Thái Lan, Philippines, Myanmar vẫn tăng cường diện tích trồng thì dẫn đến thiệt thòi cho người dân trong nước. Họ mở rộng, trong khi chúng ta đứng một chỗ thì đồng nghĩa với chúng ta sẽ thiệt thòi.
Chúng tôi chỉ khuyến cáo bà con tính đến yếu tố bền vững, tăng cường chất lượng về sản phẩm và về giống.
Sầu riêng Việt Nam phải sẵn sàng cạnh tranh về số lượng, đồng thời tăng cường về chất lượng để từ đó chiếm ưu thế. Bởi khi thị trường có nhiều sản phẩm, thì sản phẩm của ai có chất lượng tốt thì người đó sẽ chiến thắng
Đồng thời, bà con cũng cần chú ý đến vấn đề biến đổi khí hậu. Bà con không nên trồng sầu riêng ở những vùng bị nhiễm mặn, trái ra không được tốt, cây chết nửa chừng sẽ gây thiệt thòi cho người trồng.
Xin cám ơn ông!