Dự báo thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng mạnh trong quý 2/2024
Thanh toán trực tuyến đã trở nên phổ biến
Đánh giá về sự phát triển của thương mại điện tử trong thời gian qua, ông Nguyễn Bình Minh - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết: Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam (EBI) năm 2024 do VECOM vừa công bố, năm 2023 nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên thương mại điện tử vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
"VECOM ước tính tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này tăng trên 25% so với năm 2022 và đạt 25 tỷ USD. Trong đó, quy mô bán lẻ hàng hoá trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn nhiều so với bức tranh tổng thể của nền kinh tế" - ông Nguyễn Bình Minh cho biết.
Cũng theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam, số liệu từ Tổng cục Thống kê, ước tính GDP năm 2023 tăng 5,1% so với năm trước. Khu vực dịch vụ tăng 6,8%, trong đó ngành vận tải, kho bãi tăng 9,2%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,2%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 12,2%.
Dịch vụ thanh toán và hoàn tất đơn hàng tăng trưởng nhanh chóng với công nghệ hiện đại góp phần thúc đẩy thương mại điện tử nói chung và bán lẻ trực tuyến phát triển mạnh mẽ |
Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.232 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6%. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 4.859 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức bán lẻ và tăng 8,6% so với năm trước.
Như vậy, thương mại điện tử chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, cao hơn mức 8,5% của năm 2022. Trong đó, tỷ lệ bán lẻ hàng hoá trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hoá khoảng 8,8%, cao hơn tỷ lệ tương ứng 7,2% của năm 2022.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Bình Minh, thanh toán trực tuyến đã trở nên phổ biến. Trong vài năm gần đây dịch vụ thanh toán và hoàn tất đơn hàng tăng trưởng nhanh chóng với công nghệ hiện đại đã góp phần thúc đẩy thương mại điện tử nói chung và bán lẻ trực tuyến phát triển mạnh mẽ.
Tính đến cuối năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 11 tỷ giao dịch, tăng gần 50% so với năm 2022. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 200 triệu tỷ đồng. Trong đó, thanh toán qua Internet đạt gần 2 tỷ giao dịch, với giá trị đạt trên 52 triệu tỷ đồng, tăng hơn 56% về số lượng và 5,8% về giá trị so với năm 2022; qua kênh điện thoại di động đạt hơn 7 tỷ giao dịch với giá trị đạt hơn 49 triệu tỷ đồng, tăng hơn 67% về số lượng và gần 12% về giá trị; qua phương thức QR-code đạt gần 183 triệu giao dịch, với giá trị đạt hơn 116 nghìn tỷ đồng, tăng gần 172% về số lượng và hơn 74% về giá trị so với năm trước.
Thực tế cho thấy, các phương thức thanh toán online ngày càng phổ biến nhờ ưu điểm nhanh chóng, tiện lợi. Chị Nguyễn Thị Minh Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) - một khách hàng thường xuyên mua sắm online cho biết: "Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, việc thanh toán trực tuyến cũng trở nên dễ dàng. Nhờ đó, giúp người tiêu dùng tiết kiệm được thời gian và quản lý chi tiêu dễ dàng hơn. Ngoài ra, thanh toán online mở ra nhiều cơ hội mua sắm, trải nghiệm dịch vụ sản phẩm dễ dàng, nhanh chóng hơn cho khách hàng".
Khi các phương thức thanh toán online ngày càng trở nên phổ biến, nắm bắt xu thế này, các ngân hàng tập trung vào mở rộng dịch vụ, trong khi đó người dân nhanh chóng thích ứng với hình thức thanh toán mới giúp hoạt động giao dịch này phát triển rộng rãi và đạt được những kết quả tích cực.
Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước nhận định: “Không chỉ đến từ ngân hàng, mà các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán như Napas đã triển khai thẻ tín dụng nội địa đến 15 tổ chức thành viên, trong đó có 11 ngân hàng và 4 công ty tài chính với số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành khoảng hơn 800.000 (tính đến tháng 8/2023), tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022. Tại Hàn Quốc, người dân thường sử dụng các thẻ này để phục vụ hoạt động thanh toán trực tiếp tại các điểm bán hàng, thanh toán online, trả phí khi tham gia giao thông công cộng, rút tiền mặt thông qua mạng lưới các điểm có liên kết thanh toán với tổ chức BC Card".
Với những lợi ích mang lại cho cả cá nhân và doanh nghiệp, hoạt động thanh toán trực tuyến trong tương lai sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Ứng dụng các dịch vụ, phương tiện thanh toán mới được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy thúc đẩy tài chính tiêu dùng và nhu cầu chi tiêu qua các nền tảng số của đại bộ phận người tiêu dùng Việt.
Nhiều triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong qúy 2/2024
Số liệu vừa được Metric, nền tảng số liệu về thương mại điện tử, trong 3 tháng đầu năm 2024, người Việt cũng "chi bạo" hơn cho mua sắm trực tuyến. Doanh số của 5 "ông lớn" thương mại điện tử tại Việt Nam đạt 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng 78,69% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này vượt xa kỳ vọng bởi theo nhiều dự báo rằng doanh số thị trường thương mại điện tử năm 2024 sẽ chỉ tăng khoảng 35% so với 2023.
Cũng theo Báo cáo mới công bố của Công ty Phân tích & tư vấn phát triển kênh thương mại điện tử YouNet ECI, người tiêu dùng chi 53.740 tỷ đồng mua sắm trên Shopee quý đầu năm, giúp sàn này tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam, với thị phần 67,9% tính theo tổng giao dịch (GMV).
Các thứ hạng còn lại trong "bộ tứ" thị phần sàn thương mại điện tử đa ngành lớn nhất Việt Nam không đổi. Trong đó, đứng thứ 3 và 4 là Lazada và Tiki lần lượt chiếm 7,6% và chiếm 1,3% thị phần.
Trong khi đó, nhân tố đáng chú ý là vị trí á quân của TikTok Shop, chiếm 23,2% thị phần, tăng thêm đến 6,3 điểm phần trăm so với quý IV/2023. Ba tháng đầu năm, người Việt chi 18.360 tỷ đồng mua sắm trên đây, tăng đến 15,5% so với quý IV/2023. GMV của sàn này hiện gấp 3 lần Lazada.
Số liệu được Metric - nền tảng số liệu về thương mại điện tử công bố |
Theo dự báo trong quý 2/2024 của Metric, tổng doanh số trên 5 sàn thương mại điện tử bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam sẽ đạt mức 84,87 nghìn tỷ đồng với 882,12 triệu đơn vị sản phẩm được bán ra; tăng lần lượt 19,2% và 13,57% so với quý 1/2024. Đây là mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được khi thị trường đã có bước khởi đầu hết sức tích cực.
Mùa cao điểm kinh doanh của thị trường sẽ trên đà tăng tốc từ quý 2/2024, với tốc độ tăng 19,2% so với quý 1/2024, tương đương tăng khoảng 78% so với quý 2/2023. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần có kế hoạch sản xuất - nhập hàng phù hợp ngay từ đầu năm để tránh rơi vào tình trạng không đủ hàng hóa cung cấp cho thị trường, từ đó bị giảm doanh thu và thị phần.
Về dài hạn, ông Nguyễn Phương Lâm, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường YouNet ECI dự báo ngành thương mại điện tử Việt Nam vẫn sẽ giữ vững đà tăng trưởng với GMV năm 2025 dự kiến đạt đỉnh 16,8 tỷ USD. Trong đó, "shoppertainment" (mua sắm kết hợp giải trí) chính là mắt xích chủ chốt, chiếm gần một nửa tổng giá trị hàng hóa toàn ngành với 8,1 tỷ USD.
Thương mại điện tử phát triển đang góp phần củng cố tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam. Phân tích của bà Amanda Murphy, Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp khu vực Nam và Đông Nam Á HSBC và ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc khối khách hàng doanh nghiệp, HSBC cho thấy Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á cho đến năm 2025.
Nhà băng này đánh giá Việt Nam đang là thị trường đi đầu trong ngành công nghiệp số. Nơi đây cũng được dự báo sẽ sở hữu 67,3 triệu người dùng điện thoại thông minh vào năm 2026, chiếm 96,9% người dùng Internet.
Khảo sát của HSBC cho thấy, 60% doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam dự định đầu tư vào công nghệ và số hóa với trọng tâm là thanh toán số, thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo. Họ tin rằng việc ứng dụng và nâng cao dịch vụ số sẽ đáp ứng được kỳ vọng khách hàng về sự tiện lợi và cải thiện hiệu quả hoạt động.
Trong hành trình này, nhóm chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp tập trung vào việc kiểm soát chi phí và tăng doanh thu. Bên cạnh đó, cần xem xét lại cách tiếp cận vốn để quản lý chi phí vốn và đảm bảo doanh nghiệp sẽ trụ vững lâu dài.