Doanh thu ngành sách trên các sàn thương mại điện tử tăng trưởng mạnh Thúc đẩy xúc tiến thương mại, phân phối hàng hóa qua nền tảng số |
Hội nghị Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại Điện Biên và các tỉnh vùng Tây Bắc có chủ đề "Liên kết vùng từ sản xuất đến đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua thương mại điện tử" do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Điện Biên tổ chức.
Hội nghị Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại Điện Biên và các tỉnh vùng Tây Bắc có chủ đề Liên kết vùng từ sản xuất đến đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua thương mại điện tử. Ảnh: HQ |
Hội nghị có sự tham dự của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên Phạm Đức Toàn; Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh, cùng sự hiện diện của hơn 200 đại biểu là lãnh đạo các Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại các tỉnh, thành phố; các doanh nghiệp vận hành dịch vụ thương mại điện tử, doanh nghiệp công nghệ; các hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở đào tạo...
Hội nghị thu hút hơn 200 đại biểu tham gia. Ảnh: HQ |
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - bà Lê Hoàng Oanh cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử nhanh và năng động nhất trên thế giới. Thương mại điện tử đã tạo ra phương thức phân phối hiện đại và tiện lợi, đem lại nhiều lợi ích cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp, vì vậy, đang hiện diện ngày càng phổ biến và trở thành một trong những trụ cột có đóng góp to lớn cho tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.
Để phát huy lợi thế của phương thức phân phối hiện đại này, đồng thời, khai thác tốt hơn lợi thế của mỗi vùng, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, bà Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh, Đảng và Chính phủ chủ trương thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử. "Đây là chủ trương xuyên suốt và là một trong những định hướng trọng tâm của Đảng, Chính phủ thời gian qua"- bà Lê Hoàng Oanh nêu.
Bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HQ |
Vùng đất Tây Bắc, theo Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, đây là một vùng có vai trò, vị trí chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt về kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; nơi có truyền thống cách mạng vẻ vang, nhiều di sản văn hóa đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nơi đây được ví như là “cội nguồn dân tộc”; “cái nôi của cách mạng Việt Nam”, là “phên dậu”, là “cửa ngõ” phía Tây và phía Bắc của quốc gia.
Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, đặc biệt là sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thời gian gần đây, các tỉnh Tây Bắc đã bắt đầu ghi nhận sự tăng trưởng tích cực trong một số lĩnh vực như du lịch, nông nghiệp, thương mại, khai khoáng và thủy điện...
Việc tổ chức Hội nghị kỳ vọng sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển thương mại điện tử giữa các tỉnh trong khu vực Tây Bắc. Ảnh: HQ |
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhận định, trong lĩnh vực thương mại điện tử, Tây Bắc phải đối mặt với nhiều thách thức về hạ tầng giao thông, logistics, nhân lực ngành thương mại điện tử và thói quen tiêu dùng của người dân… “Do đó, quy mô và tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử còn chưa tương xứng với tiềm năng. Sự liên kết, chia sẻ, tối ưu hóa nguồn lực trong phát triển thương mại điện tử của các địa phương trong vùng còn hạn chế” - bà Lê Hoàng Oanh đánh giá.
Chính vì vậy, để hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ cũng như thúc đẩy thương mại điện tử tại Điện Biên và các tỉnh vùng Tây Bắc, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Điện Biên tổ chức “Hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc”.
Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số trình bày nội dung "Liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử: Từ chính sách đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc" tại Hội nghị. Ảnh: HQ |
Bà Lê Hoàng Oanh kỳ vọng, hội nghị sẽ góp phần: Nâng cao năng lực triển khai Đề án phát triển Thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 của các địa phương, hướng tới phát triển thương mại điện tử bền vững; Tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các hạ tầng dịch vụ phát triển, giúp các địa phương tiết kiệm nguồn lực, chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, có cơ hội tham gia vào mạng lưới sản xuất và tiêu thụ rộng lớn; thu hẹp khoảng cách phát triển thương mại điện tử giữa các tỉnh trong khu vực Tây Bắc, giữa Tây Bắc và các vùng khác trong cả nước, tạo đà cho sự phát triển chung của nội vùng, liên vùng và của cả nước.
Ông Phạm Đức Toàn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HQ |
Chia sẻ về hoạt động thương mại điện tử Vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng, ông Phạm Đức Toàn - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Điện Biên cho biết, hoạt động thương mại điện tử vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng trong những năm gần đây đã có sự khởi sắc và tiến triển, dần thu hẹp khoảng cách về trình độ, nâng cao năng lực tiếp cận thương mại điện tử cho người tiêu dùng và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, của vùng Tây Bắc và của cả nước.
Riêng tỉnh Điện Biên, theo ông Phạm Đức Toàn, hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn đã có bước phát triển tích cực. Trong đó, toàn tỉnh đã có khoảng 500 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử; tỷ lệ dân số toàn tỉnh tham gia mua sắm trực tuyến đạt trên 30%; tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ có tài khoản thương mại điện tử đạt 20% và tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử đạt 50%. “Qua đó, giúp các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tỉnh tiếp cận được thông tin thị trường, tìm kiếm đối tác, giảm chi phí sản xuất, giúp thanh toán nhanh chóng và tiện lợi”- ông Phạm Đức Toàn cho hay.
Hoạt động thương mại điện tử tại tỉnh Điện Biên còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh: HQ |
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên cho rằng, thương mại điện tử tại tỉnh Điện Biên còn rất nhiều khó khăn, thách thức, như đội ngũ cán bộ chuyên trách về thương mại điện tử còn thiếu; chất lượng nguồn nhân lực thương mại điện tử trong các doanh nghiệp còn thấp; hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; phần lớn website thương mại điện tử tỉnh Điện Biên chỉ dừng lại ở hình thức quảng bá giới thiệu sản phẩm; thiếu các dịch vụ hỗ trợ tiếp thị, thanh toán, hoàn tất đơn hàng; số lượng sản phẩm hàng hoá đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, yêu cầu để tham gia vào sàn thương mại điện tử còn rất khiêm tốn.
Đặc biệt, đến nay, “Điện Biên chưa có sàn thương mại điện tử riêng do vậy doanh nghiệp, người tiêu dùng thiếu kênh mua bán trực tuyến an toàn, hiệu quả, cơ quan quản lý nhà nước thiếu công cụ để kiểm soát, đưa hoạt động mua bán hàng trực tuyến vào hệ thống cũng như thúc đẩy việc mua bán, trao đổi, cung cấp sản phẩm, dịch vụ phát triển”- ông Phạm Đức Toàn cho biết.
Trước thực tế đó, ông Phạm Đức Toàn mong muốn, Hội nghị Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại Điện Biên và các tỉnh vùng Tây Bắc sẽ góp phần định hướng và đề ra các giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển thương mại điện tử hiện nay tại vùng Tây Bắc nói riêng, cả nước nói chung.
“Với những kiến thức bổ ích, thiết thực được tích luỹ tại hội nghị sẽ được mỗi địa phương ứng dụng trong quản lý và phát triển thương mại điện tử và kinh tế số địa phương mình theo hướng bền vững”- ông Phạm Đức Toàn nhấn mạnh.