Tăng ở 56 địa phương và giảm ở 7 địa phương
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 02/2024 ước tính giảm 18% so với tháng trước và giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, IIP ước tính tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9%).
Dự báo, sản xuất sẽ tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm 2024 |
Trong đó, ngành khai khoáng giảm 3,5%, làm giảm 0,6 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo tăng 5,9%, đóng góp 5,2 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,2%, đóng góp 1,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,5%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm.
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 56 địa phương và giảm ở 7 địa phương trên cả nước.
Theo Cục Thống kê Hà Nội, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã khởi động lại hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và các đơn hàng ký kết trước đó.
Nhờ có sự chuẩn bị từ sớm về đơn hàng, nguồn nguyên liệu, tổ chức vận hành nên không khí làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất nghiêm túc, trách nhiệm, số lượng công nhân trở lại làm việc sau Tết cao, bắt nhịp nhanh với công việc, bảo đảm kế hoạch sản xuất đầu năm. Tính chung 2 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, hoạt động sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2024 có dấu hiệu phục hồi khi ghi nhận IIP đạt mức tăng trưởng dương 4,3% so cùng kỳ sau hai năm liên tục giảm; trong đó, năm 2022 giảm 0,7% và năm 2023 giảm 4,5% trong hai tháng đầu năm. Ngoài tín hiệu rất tích cực này, ghi nhận từ phía cộng đồng doanh nghiệp cho biết, họ có đơn hàng đến hết quý II/2024.
Một báo cáo khác trước đó về tình hình sản xuất kinh doanh, thương mại của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, cũng đưa ra các số liệu và đánh giá tương tự. Theo đó cơ quan quản lý này tin rằng đến hết quý I/2024 hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn sẽ đạt kết quả khả quan. Sở này cũng đưa ra dự báo rằng IIP trong quý I/2024 tăng trưởng tối thiểu so cùng kỳ từ 5%; thương mại dịch vụ tăng tối thiểu 10% và xuất khẩu tăng trên 7%.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh – nhận định, hoạt động sản xuất, thương mại khả quan quý I/2024 vì tháng 1 và tháng 2 đã có tín hiệu tích cực. Hai ngành hàng khó khăn nhất của năm ngoái là dệt may và đồ gỗ thì hiện nay nhiều doanh nghiệp cho biết đã có đơn hàng đến tháng 6/2024.
Dự báo, sản xuất sẽ tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm
Chiều 29/2, bộ phận tuyển dụng Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam cho biết, hiện đơn hàng của doanh nghiệp được lấp đầy đến giữa năm 2024. Nhiều xưởng sản xuất thiếu lao động, cần bổ sung người để đảm bảo tiến độ. Lao động ngoài 40 tuổi nếu đủ sức khỏe và có tay nghề vẫn được nhà máy tiếp nhận. Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam cần 1.000 công nhân mới, đây là đợt tuyển lớn nhất của doanh nghiệp từ sau các lần cắt giảm gần chục nghìn người hồi năm ngoái.
Về tình hình tuyển dụng lao động sau Tết trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, khảo sát hơn 3.200 doanh nghiệp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố ghi nhận tỷ lệ thiếu hụt lao động sau Tết dưới 3%. Trong đó, chủ yếu tập trung tại các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành có sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện - điện tử, kinh doanh bảo hiểm - tài chính. Một số công ty có nhu cầu tuyển lao động để bù vào số nhân sự nghỉ việc năm 2023, chứ không phải do lao động ở lại quê ăn Tết chưa tới làm việc.
Số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy nhu cầu thị trường lao động trong quý I năm nay là 51,7 triệu người, tăng 217.000 người so với quý trước. 3 ngành nghề có nhu cầu tăng việc làm là chế biến thực phẩm tăng 1,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 1,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 1,6%.
Theo các chuyên gia, lĩnh vực công nghiệp có những bước tăng trưởng trở lại và đặc biệt hoạt động xuất nhập khẩu có những tín hiệu phục hồi mạnh mẽ. Điều này thể hiện nhu cầu thị trường thế giới có dấu hiệu phục hồi. Ngay những tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã nhận được nhiều đơn hàng, sản xuất cũng tăng cường để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.
Ông Suan Teck Kin - Giám đốc điều hành Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu Tập đoàn UOB – nhận định, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp hai tháng đầu năm tăng 5,7%, tốt hơn đáng kể so với mức sụt giảm 2,2% cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, chỉ số sản xuất các phân khúc quan trọng của ngành linh kiện điện tử tăng 10,1%hai tháng đầu năm 2024, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 0,7%. Những dữ liệu này cho thấy động lực chung trong lĩnh vực sản xuất và thương mại bên ngoài đang có những dấu hiệu tích cực.
"Chúng tôi kỳ vọng tốc độ này sẽ duy trì, đặc biệt là vào nửa cuối năm 2024 khi chu kỳ bán dẫn tiếp tục trên đà phục hồi. Điều này sẽ được hỗ trợ thêm khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ bắt đầu cắt giảm lãi suất, chúng tôi dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 6/2024", ông Suan Teck Kin cho hay.
Trước đó, ông Suan Teck Kin cũng từng dự báo hoạt động sản xuất, thương mại năm 2024 Việt Nam sẽ nhìn thấy sự cải thiện, đặc biệt trong ngành dệt may. Việt Nam được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, Việt Nam đang ở vị thế tốt để tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt kết quả 50,4 trong tháng 2, tăng nhẹ so với 50,3 điểm của tháng 1 và nằm trên ngưỡng 50 điểm tháng thứ hai liên tiếp; PMI của Việt Nam đúng bằng với mức trung bình của ASEAN (theo đánh giá từ S&P Global công bố ngày 1/3/2024). So với khu vực ASEAN, PMI của Việt Nam cao hơn Malaysia, Myanmar và Thái Lan nhưng thấp hơn Indonesia và Philippines và Singapore.
Ông Andrew Harker - Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence - đánh giá, các yếu tố đặc biệt tích cực của kỳ khảo sát PMI mới nhất là việc làm tăng trở lại và niềm tin kinh doanh đạt mức cao nhất trong một năm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng tổng thể vẫn tương đối yếu, và điều này khiến các công ty tiếp tục thận trọng trong hoạt động mua hàng và duy trì hàng tồn kho.
Các kế hoạch mở rộng sản xuất và đưa ra các sản phẩm mới đã góp phần làm tăng niềm tin kinh doanh vào thời điểm giữa quý I/2024 và tâm lý lạc quan về sản lượng cũng phản ánh kỳ vọng về tăng trưởng số lượng đơn đặt hàng mới. "Niềm tin kinh doanh đạt mức cao của một năm khi có gần 55% số người trả lời khảo sát thể hiện sự lạc quan", báo cáo từ S&P Global cho hay.
Trong số các địa phương có chỉ số công nghiệp sụt giảm, Bắc Ninh bị điểm tên. Theo số liệu của Cục Thống kê Bắc Ninh, so với tháng trước và cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh tháng 2/2024 tiếp tục giảm lần lượt 8,72% và 14,61%. Đáng chú ý, mức giảm năm nay cao hơn năm trước (năm 2023 giảm 9,05%).
Thực tế cho thấy, vẫn còn những khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng mới, do nhu cầu tiêu dùng của thế giới sụt giảm mạnh trước những tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát và các cuộc xung đột trên thế giới... ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các quốc gia.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp sẽ là sự góp của các tất cả địa phương, của tất các ngành, các doanh nghiệp. Để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu và đạt được mục tiêu về tăng trưởng kinh tế trong năm nay, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ và các Bộ, ngành vẫn phải tiếp tục tạo môi trường vĩ mô ổn định, khuyến khích đầu tư. Tiếp tục triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp, người dân.
Bên cạnh đó, cần tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đàm phán ký kết thêm các hiệp định mới; thúc đẩy quảng bá các sản phẩm và hình ảnh của Việt Nam ra thị trường thế giới; cùng với đó, thị trường trong nước cũng cần phải đẩy mạnh - đẩy mạnh sản xuất trong nước.