Thứ ba 29/04/2025 22:06
Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý đào tạo

Đòn bẩy phát triển giáo dục

Đổi mới quản lý, đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông tại các cơ sở đào tạo được xem là công cụ hữu ích, là đòn bẩy phát triển giáo dục Việt Nam, tăng tính tự chủ và hội nhập. Hiện, Bộ Công Thương đang chuẩn bị triển khai đề án “Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, quản lý các trường thuộc Bộ Công Thương”.
Việc xây dựng Hệ thống thông tin quản lý các trường thuộc Bộ Công Thương là cần thiết

Hiện trạng công tác quản lý

Bộ Công Thương có 48 trường trực thuộc, quy mô đào tạo hơn 300.000 học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, hiện công tác thu thập thông tin phục vụ cho quản lý của Bộ đối với các trường chủ yếu dựa vào hình thức báo cáo thông thường. Các báo biểu được lưu dưới dạng văn bản, không có hệ thống tự động tổng hợp, đối chiếu phục vụ công tác quản lý. Trong khi đó, các thông tin có sự thay đổi theo hàng tháng, quý, năm, nên việc tổng hợp, thống kê mất nhiều thời gian, công sức, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tham mưu cho lãnh đạo Bộ về lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực của ngành Công Thương.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, 19/48 trường có phần mềm quản lý công văn đến (chiếm 49%), quản lý tuyển sinh 27/48 trường (chiếm 68%), quản lý khoa học 6/49 trường (chiếm 15%), quản lý thanh tra 3/48 trường (chiếm 8%), quản lý khảo sát thí nghiệm 18/48 trường (chiếm 46%), phần mềm đào tạo trực tuyến 7/48 (chiếm 18%)... Các trường chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, đồng bộ và liên thông. Bên cạnh đó, các trường cũng chưa có hệ thống chuẩn hóa cho việc trao đổi dữ liệu chung với nhau, nên việc chia sẻ tài nguyên học tập giữa các trường chưa thực hiện được và việc rút trích dữ liệu tự động báo cáo cho Bộ còn gặp nhiều khó khăn. Giữa các trường cũng chưa có hệ thống trao đổi kiến thức chuyên môn, bài giảng trực tuyến cũng như chưa có các kênh thông tin thiết lập, kết nối các giảng viên của các trường.

Trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, hợp tác quốc tế đang ngày càng trở thành công cụ hữu hiệu, giúp các trường nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đây là những hoạt động mà các trường đào tạo của ngành Công Thương còn hạn chế. Để hoạt động này thực sự có hiệu quả thì không thể thiếu công nghệ thông tin và truyền thông. Thông qua công cụ này, các trường có thể tìm hiểu được đối tác, lĩnh vực hợp tác cũng như năng lực của mỗi bên. Nhiều trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam đã thông qua công nghệ thông tin để xây dựng và cung cấp các dịch vụ giáo dục tại các cơ sở đào tạo ở nước ngoài như hình thức “du học tại chỗ”, chương trình liên kết 2+2, 3+1 hay những khóa đào tạo ngắn hạn với giảng viên người nước ngoài của các trường đại học Việt Nam với các đối tác quốc tế…

Đòn bẩy cho sự phát triển của các trường

Việc xây dựng Hệ thống thông tin quản lý số liệu về các trường thuộc Bộ Công Thương là việc làm cần thiết, tăng tính minh bạch trong công tác quản lý như: Khả năng tổng hợp số liệu sinh viên đang theo học từng ngành nghề; dự báo số lượng sinh viên tốt nghiệp trong từng năm. Công tác này giúp Bộ chỉ đạo kịp thời việc tuyển sinh, tránh tình trạng thừa (thiếu) nhân lực ở các ngành nghề và mất cân đối nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin hoàn chỉnh còn giúp các cơ sở đào tạo tiếp nhận các giải pháp sẽ triển khai, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành. Ngoài ra, việc xây dựng và sử dụng chung dữ liệu tuyển sinh giúp các trường dễ dàng hoạch định chỉ tiêu đào tạo của các ngành nghề; tìm hiểu thông tin của người học cũng được dễ dàng và chính quy; các trường khó khăn về tuyển sinh có thể tiếp cận thông tin của các đơn vị có nguồn tuyển dồi dào và các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về hệ thống ngành nghề và khả năng, năng lực của các trường trong ngành…

Việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong công tác quản lý, góp phần xây dựng mô hình quản trị đại học tiên tiến trên thế giới, ERP (Enterprise Resource Planning). Đây được xem là công cụ kỹ thuật để Bộ Công Thương nắm được các thông tin cần thiết phục vụ chức năng quản lý, điều phối, giám sát hoạt động đào tạo tại các trường, hình thành cơ chế phối hợp giữa 3 bên: Nhà trường, doanh nghiệp và Bộ Công Thương, cũng như xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực của ngành Công Thương trung và dài hạn.

Xây dựng hệ thống tăng khả năng giao tiếp giữa các trường với sinh viên - phụ huynh và doanh nghiệp. Theo đó, phụ huynh - sinh viên nắm bắt được kết quả học tập và rèn luyện của con em, các chủ trương đào tạo của nhà trường. Về phía doanh nghiệp, có thể theo dõi tiêu chuẩn, chất lượng, ngành nghề đào tạo của các trường để xây dựng kế hoạch tuyển dụng các ngành nghề liên quan. Đối với học sinh, sinh viên (tiềm năng), có thể tham khảo các ngành nghề đào tạo tại các trường, xem tổng thể số lượng sinh viên đang theo học các ngành nghề chuẩn bị tốt nghiệp và đã tốt nghiệp để tự ra quyết định học ngành nghề trong tương lai…

Việc xây dựng Hệ thống thông tin quản lý các trường thuộc khối Bộ Công Thương là việc làm cấp bách. Bởi, đây chính là công cụ quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo của các trường và là đòn bẩy để các trường phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
TS. Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ Phát triển nguồn nhân lực
Bài viết cùng chủ đề: Công nghệ thông tin